Dân Việt

Vì sao Mỹ “để ý” Việt Nam kỹ hơn giữa cuộc chiến thương mại?

Hồng Quân 21/08/2019 10:21 GMT+7
“Muốn ngưng thương chiến cần 2/3 – 3/3 điều kiện: Thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ; Kinh tế Mỹ suy thoái; Uy tín của Tổng thống Trump xuống dốc thông qua kết quả các cuộc thăm dò đại chúng”.

img

Tiến sĩ Kinh tế Đại học Harvard Chua Hak Bin - chuyên gia kinh tế cao cấp của Tập đoàn Maybank Kim Eng

Đó là góc nhìn của Tiến sĩ Kinh tế Đại học Harvard Chua Hak Bin - chuyên gia kinh tế cao cấp của Tập đoàn Maybank Kim Eng về cuộc chiến thương mại đang được quan tâm hàng đầu trên thế giới hiện nay.

Trước khi gia nhập Tập đoàn Maybank Kim Eng, TS. Chua là chuyên gia tư vấn tại GIC - quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore, đồng thời là giám đốc khu vực kinh tế mới nổi tại châu Á và Đông Nam Á cho ngân hàng America Merrill Lynch.

TS. Chua từng giữ vai trò là nhà chiến lược và nhà kinh tế tại Citigroup, Deutsche Private Wealth Management, DBS Bank và RHB Bank.

Trước khi gia nhập khu vực tư nhân, TS. Chua đã làm việc với Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) trong khoảng sáu năm, phụ trách các nền kinh tế trong khu vực, giám sát tài chính và lập kế hoạch, lãnh đạo bộ phận chính sách và truyền thông…

Trong chuyến công tác tại Việt Nam lần này, TS. Chua Hak Bin có cuộc trao đổi với BizLIVE về dự báo thương chiến Mỹ - Trung, những tác động đến Việt Nam, cũng như xét đến những ứng xử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam ở giữa thương chiến này.

Ba điều kiện để ngưng thương chiến

Một trong những diễn biến nổi bật từ đầu tháng 8 này là đồng RMB (Nhân dân tệ) xuống giá mạnh. Theo ông, diễn biến xuống giá đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến thương chiến Mỹ - Trung? Và ông dự báo thời gian tới, Mỹ sẽ có đáp trả hay không và nếu có thì có thể như thế nào?

Tôi cho rằng, từ “cố ý” phá giá tiền tệ là hơi nặng, từ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump giành cho Trung Quốc. Tác động của việc phá giá đồng Nhân dân tệ rất mạnh, mang tính “market driven” (có thể dẫn lái thị trường).

Trước hết, nhìn vào cách can thiệp của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đối với thị trường ngoại hối là theo cơ chế thị trường. Tuy vậy, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đang có xu hướng giảm và vì thế, họ sẽ kìm hãm hoặc chặn đứng sự suy giảm dự trữ này.

Dự trữ ngoại hối hiện tại còn khoảng 3.000 tỉ USD so với mức 4.200 tỉ USD trước đây. Vì thế, PBoC cũng không sẵn lòng sử dụng dự trữ bằng đồng USD (bán USD ra) để hỗ trợ đồng Nhân dân tệ.

Thứ hai, Tổng thống Trump đã nói Trung Quốc cố ý phá giá tiền tệ. Tuy nhiên, để theo đuổi chính sách đồng Đô-la yếu, rất khó nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không ủng hộ để tiếp tục duy trì điều này. Đây là phần khó nhất nếu không có sự ủng hộ của Fed. Để được vậy, có thể yêu cầu Fed cắt giảm lãi suất tiếp để làm yếu đồng Đô-la. Tuy nhiên, đều này sẽ gây ảnh hưởng đến các vấn đề khác.

Liệu Tổng thống Trump và Bộ Ngân khố Mỹ duy trì chính sách Đô-la yếu nếu thiếu sự hỗ trợ của Fed được không? Thực ra, Bộ Ngân khố Mỹ có Quỹ Bình ổn Ngoại hối (Exchange Stabilization Fund - ESF) với quy mô khoảng 94 tỉ USD. Về kĩ thuật, họ có thể bán Đô-la ra để thực hiện mục tiêu đồng Đô-la yếu. Tuy nhiên, do quy mô của Quỹ khá khiêm tốn trong khi quy mô giao dịch trên thị trường ngoại hối lên đến 2.000 - 3.000 tỉ USD/ngày nên có thể tưởng tượng con số 94 tỉ USD này chẳng thấm vào đâu.

Hiện nay, trong thương chiến này, Mỹ cũng không có nhiều đồng minh giống như trong cuộc chiến với đồng Yên của Nhật Bản vào năm 1995. Vì thế, không dễ cho Mỹ để đáp trả Trung Quốc thông qua việc tiếp tục giảm giá USD.

Dù vậy, nếu Tổng thống Trump tác động và thay đổi được lãnh đạo Fed theo hướng ủng hộ thì có thể tác động được chính sách của Fed trong tương lai.

Tóm lại, nếu thương chiến leo thang thì đồng Nhân dân tệ tiếp tục giảm và Tổng thống Trump cũng như Mỹ chẳng làm được gì hơn (không thể giảm giá USD theo - PV).

Về thương chiến, ông dự báo sẽ kéo dài bao lâu nữa và sẽ diễn biến như thế nào?

Cá nhân tôi cho rằng từ đây đến cuối năm 2019 khả năng 2 nước đi đến một thỏa thuận sẽ rất thấp (dưới 50%).

Phía Trung Quốc ban đầu có vẻ nhún nhường thì nay đã sẵn sàng cứng rắn hơn, không dễ dàng thỏa hiệp và thiên hướng “diều hâu” ("hiếu chiến" - PV) hơn khi đàm phán với Mỹ. Do đó, thương chiến khó mà kết thúc trong năm nay.

Theo tôi, muốn ngưng thương chiến thì cần một số điều kiện sau: Thứ nhất, thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ (đã giảm khoảng 9%); thứ hai, kinh tế Mỹ suy thoái (tăng trưởng quý III/2019 khoảng 2%); thứ ba, uy tín Tổng thống Trump xuống dốc thông qua kết quả các cuộc thăm dò đại chúng.

Nếu cả 3 điều kiện hoặc 2/3 điều kiện trên xuất hiện, Tổng thống Trump có lẽ sẽ tính toán khác.

Việt Nam được "để ý" kỹ hơn

Với Việt Nam, một điểm đang được chú ý trong bối cảnh hiện nay là thâm hụt thương mại đối với Mỹ. Theo ông, liệu Mỹ có áp dụng các biện pháp nào đó để hạn chế không?

Thực ra, tôi nghĩ, Mỹ cảm thấy bị đe dọa lớn từ Trung Quốc. Vì thế, Mỹ xem Trung Quốc như đối thủ chiến lược và tìm cách để ngăn cản sự lớn mạnh của Trung Quốc.

Những nước khác không ảnh hưởng/không thu hút sự chú ý đáng kể của Mỹ, hoặc có thể nói Mỹ không quan tâm nhiều. Dù vậy, Mỹ vẫn muốn các nước hành xử theo ý của Mỹ để phù hợp lợi ích của họ và sử dụng chế tài là thuế quan, tất nhiên là tùy ngành, sản phẩm chứ không phải làm cho kinh tế suy thoái.

Mỗi hai tháng, Mỹ đều rà soát và tính toán lại xem đồng VND được định giá thấp hơn thực tế là bao nhiêu, sau đó sẽ tìm những ngành, mặt hàng nào gây bất lợi cho Mỹ về thương mại và có thể áp thuế để trừng phạt.

Và thêm nữa là yêu cầu Việt Nam mua thêm hàng hóa của Mỹ, kiểm soát chặt để hàng Trung Quốc không mượn được đường sang Mỹ thông qua Việt Nam để né thuế, ủng hộ các doanh nghiệp Mỹ khi tham gia và thực hiện các FTAs.

Tất nhiên không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước khác ở Đông Nam Á và châu Á đều như vậy cả. Dù vậy, Việt Nam được đánh giá có lợi ích nhiều nhất từ thương chiến nên vì thế, Việt Nam được “để ý” kỹ hơn là tất yếu.

Mặc dù Việt Nam xuất siêu sang Mỹ lên đến 40 tỉ USD, là con số lớn so với quy mô của Việt Nam, nhưng Tổng thống Trump không xem đó là mức thâm hụt thương mại đáng kể của Mỹ, vì tại Việt Nam có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp nước ngoài như của Hàn Quốc, họ tận dụng ưu đãi khi xuất khẩu sang Mỹ và tôi thấy Mỹ không quá quan tâm.

Đồng VND đang được đánh giá "nằm trong thế kẹt" giữa Nhân dân tệ và USD, theo ông Ngân hành Nhà nước Việt Nam nên điều hành chính sách tiền tệ như thế nào, đặc biệt là về tỷ giá ?

Tất cả ngân hàng trung ương ở khu vực đều mong muốn giảm lãi suất. Mức lạm phát ở các nước trong khu vực nói chung khá thấp nên dư địa nới lỏng lãi suất, thực hiện các biện pháp vĩ mô, tín dụng và thậm chí chính sách nhà đất còn nhiều.

Đối với Việt Nam, chính sách tỷ giá nên linh hoạt và mềm dẻo hơn, theo hướng giảm, để có thể đủ sức đương đầu với các cú sốc trong tương lai.

So với các đồng tiền khác trong khu vực, thời gian qua, đồng VND tương đối ổn định và vì thế, Ngân hàng Nhà nước có nhiều thuận lợi hơn trong điều hành tỷ giá và tiền tệ theo hướng giảm lãi suất.