Đó là phát biểu của ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NNPTNT) tại Hội nghị triển khai "Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA): Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý".
Ông Toản khẳng định: Tác động của EVFTA đối với ngành nông nghiệp là hết sức tích cực. Đây là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ cam kết cắt giảm thuế quan. Nhiều mặt hàng nông nghiệp được xóa bỏ 100% thuế suất khẩu, nhiều mặt hàng giảm và xóa bỏ theo lộ trình.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Đơn cử ở những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, như hạt điều gặp khó khăn về truy xuất nguồn gốc bởi phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), chất lượng hạt điều, chế biến thô; hồ tiêu cũng khó khăn về VSATTP, dư lượng bảo vệ thực vật, diệt nấm, tỷ lệ đạt tiêu chuẩn thấp, kỹ thuật canh tác bền vững…
Nếu Việt Nam không phát triển ngành hàng chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi thì khó cạnh tranh khi EVFTA có hiệu lực.
Hay như nhóm ngành hàng thủy sản, rau quả, chúng ta gặp khó trong nhiều vấn đề cạnh tranh với nhiều nước có thế mạnh như Thái Lan, Ấn Độ, Mexico, Canada…, vấn đề sản lượng đánh bắt giảm bởi địa phận đánh bắt bị thu hẹp, nguồn tài nguyên cạn kiệt…
Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi, phải khẳng định Việt Nam là một trong những "cường quốc" về chăn nuôi nhưng nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại gặp quá nhiều khó khăn.
Khi EVFTA có hiệu lực, đặt ra cho ngành chăn nuôi những cơ hội và khó khăn lớn. Đơn cử như đối với thịt trâu bò, thuế suất hiện đang từ 5 - 30% sẽ giảm về 0% trong lộ trình từ 3 - 4 năm. Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu với giá cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm tiêu dùng và chế biến.
Trong ngành hàng thịt lợn, thuế suất giảm về 0% trong lộ trình 10 năm, Việt Nam có lợi thế giá rẻ để cạnh tranh. Tuy nhiên, vấn đề thách thức và yếu thế chính là chúng ta mới chỉ chú trọng và phát triển chăn nuôi và cung ứng sản phẩm thịt tươi ra thị trường mà chưa phát triển mạnh mẽ chế biến sâu trong chăn nuôi.
Trong năm qua, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đã đầu tư hơn 5.000 tỷ được vào chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, việc đầu tư sản xuất sản phẩm chăn nuôi còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn.
Vấn đề VSATTP trong sản phẩm đang là thách thức lớn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới.
“Nếu ngành chăn nuôi không phát triển được nhóm hàng chế biến sản phẩm, ngay vấn đề cạnh tranh trên sân nhà còn khó chứ đừng nói đến nâng cao cạnh tranh trên thị trường thế giới. Bởi có đẩy mạnh được khâu chế biến mới giải quyết được rào cản kỹ thuật, đa dạng hóa sản phẩm và tạo ra được nhiều sản phẩm cạnh tranh”, ông Toản nhấn mạnh.
Còn Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, đi đôi với việc xúc tiến thương mại, chúng ta phải chú trọng các quy định chặt chẽ của hàng hóa suất khẩu sang EU về truy suất nguồn gốc, VSATTP, công nghệ, đa dạng sản phẩm…, trong đó không thể không đầu tư vào sản phẩm chế biến ngành chăn nuôi.
Bởi, hiện ngoài ngành sữa khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới, nhóm chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi hầu như “trắng bảng”. Đây là nội dung rất lớn đặt ra đối với ngành chăn nuôi nói chung, đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.