Hoàn thành hơn 60%
Theo phương án Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, có 256 công ty nông, lâm nghiệp phải thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu. Tính đến ngày 30/6/2019, các công ty đã hoàn thành sắp xếp chuyển sang hoạt động theo quy định pháp luật theo mô hình mới là 160 công ty, đạt 62,5%; trong đó, công ty nông nghiệp hoàn thành sắp xếp theo mô hình công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh là 16/18 công ty, đạt 88,89%.
Mô hình Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích đã hoàn thành 59/60 công ty, đạt 98,33%. Các công ty nông nghiệp đã hoàn thành cổ phần hóa chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là 40/72 đơn vị, đạt 55,56%. Các công ty nông nghiệp đã hoàn thành sắp xếp chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên là 07/18 công ty, đạt 38,89%; tỷ lệ này ở các công ty lâm nghiệp là 34,78% (8/22 công ty).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại tọa đàm về mô hình sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp do Bộ NNPTNT tổ chức sáng 21/8. Ảnh: Thành Chung.
Hoàn thành giải thể 4/12 công ty nông nghiệp, 9/16 công ty lâm nghiệp do quản trị yếu kém, thua lỗ kéo dài, không quản lý được vườn cây, đất đai, giá trị tài sản thấp, không có nguồn trả nợ.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, sau khi sắp xếp, nhiều doanh nghiệp đã đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực quản trị rừng, tìm các đối tác đầu tư để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế. Đơn cử như Công ty TNHH hai thành viên lâm nghiệp Yên Thế, sau khi chuyển đổi từ công ty lâm nghiệp sang công ty TNHH hai thành viên, đơn vị đã thu hút được thành viên thứ hai là Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt (xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) góp vốn 10 tỷ đồng, đây cũng là nhà đầu tư chế biến ván MDF.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, hiện nay, việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp ở một số địa phương còn chậm, đặc biệt là đối với sắp xếp theo mô hình thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên. Diện tích đất, tài sản trên đất các công ty bàn giao về địa phương còn rất ít (khoảng 78.300 ha/450.000 ha); tài sản trên đất chưa được giải quyết rành mạch. Do vậy diện tích đất này vẫn đang tranh chấp, lấn chiếm, quản lý rất phức tạp.
Vấn đề giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; dân cư mới đến các địa phương gắn với sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp hiệu quả thấp do hầu hết hầu hết diện tích đất các công ty nông lâm nghiệp đã khoán ổn định lâu dài. Việc xử lý đất giao khoán đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp nhiều nơi còn chưa tốt, tiềm ẩn tranh chấp, khiếu kiện đông người và kéo dài.
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc thu hồi đất, thu hồi lại vườn cây bị lấn chiếm, chiếm đoạt đang gặp rất nhiều khó khăn do hồ sơ đất bàn giao chưa có mốc giới, chính quyền địa phương chưa vào cuộc, mặc cho doanh nghiệp tự giải quyết.
Đơn cử như ở Nông trường Đăk Ngo (Công ty TNHH một thành viên Cà phê Đăk Nông) hiện vẫn còn 245ha đất bị dân lấn chiếm, xâm canh. Từ tháng 11/2013 đến nay, tình hình an ninh trật tự tại đây diễn biến phức tạp, nhiều người nhận khoán bị một số đối tượng kích động chiếm giữ đất đai, vườn cây, không thực hiện nghĩa vụ nộp khoán và trả nợ, tự ý phá vườn cây, làm nhà trái phép trên đất nông nghiệp…
Nâng cao hiệu quả hoạt động mới quan trọng
Có thể thấy, sau 5 năm triển khai việc sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, những điểm yếu cố hữu về quản lý đất đai, xác định mô hình hoạt động dường như vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; việc hình thành những doanh nghiệp đủ mạnh về trồng rừng gắn liến với chế biến và xuất khẩu lâm sản vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Việc sắp xếp chỉ là bước đầu, quan trọng là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trong ảnh: Lực lượng kiểm lâm Quảng Trị tuyên truyền cho người dân về chăm sóc, bảo vệ rừng. Ảnh: I.T
Vì vậy, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, cần đánh giá thực tiễn việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp; đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù để có thể hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới vào năm 2020 như: bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; cơ chế chuyển công ty nông, lâm nghiệp thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, bảo đảm minh bạch, hiệu quả, nhất là vấn đề tỷ lệ vốn nhà nước, nhà đầu tư chiến lược.
Từ thực tiễn tại địa phương, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc lựa chọn thành viên thứ hai tham gia các công ty nông lâm nghiệp cần phải được xem xét kỹ lưỡng, phải là những đơn vị có năng lực thực sự, có nghề trồng, chăm sóc, chế biến thì mới có thể tạo ra sự đột phá trong sản xuất kinh doanh.
“Đối với địa phương mà nguồn tài nguyên dưới đất của rừng khá phong phú (than, sét) như Quảng Ninh, việc lựa chọn nhà đầu tư thứ hai còn quan trọng hơn, để làm sao vừa khai thác hiệu quả nghề rừng, vừa bảo vệ tốt nguồn tài nguyên” – ông Hậu nói.
Trong khi đó, ông Đỗ Đức Duy – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho rằng, suốt một thời gian dài, hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn khá nhiều tồn tại do đất đai bị chồng lấn, bao chiếm, sản xuất lạc hậu, chủ yếu giao khoán cho hộ gia đình cá nhân, việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân còn hạn chế, không gắn kết giữa khai thác, chế biến, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao.
“Vì vậy, quá trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa các công ty nông lâm nghiệp phải làm sao thu hút được những nhà đầu tư chiến lược đủ mạnh, tiềm lực vốn dồi dào để mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả nghề rừng, từ đó tái cơ cấu ngành lâm nghiệp hiệu quả” – ông Duy nói.
Trao đổi tại tọa đàm tọa đàm về mô hình sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp do Bộ NNPTNT tổ chức sáng 21/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, để hoàn thành sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông lâm nghiệp vào năm 2020 theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ thì cần nghiên cứu thêm cả hình thức phá sản đối với các công ty chờ giải thể như đề nghị của một số địa phương.
Quá trình đổi mới, sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp thời gian qua rất tích cực, hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng cao rõ rệt. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 các địa phương cơ bản sắp xếp xong các công ty nông lâm nghiệp.
"Tuy nhiên, theo tôi việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp chỉ là giai đoạn đầu, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty này bằng việc tái cơ cấu sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới là điều quan trọng" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để hoàn thành sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông lâm nghiệp vào năm 2020 theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cần nghiên cứu thêm cả hình thức phá sản đối với các công ty chờ giải thể như đề nghị của một số địa phương.
“Tỷ lệ công ty giải thể thấp do tắc nghẽn các thủ tục và xử lý trách nhiệm tài chính thì cũng nên để cho phá sản theo thông lệ thị trường. Chúng ta cần đánh giá lại việc tại sao không cho các nông lâm trường phá sản. Nếu không phá sản mà chỉ giải thể, thì Nhà nước phải nghiên cứu cơ chế tài chính đặc thù để hỗ trợ hoặc sáp nhập vào các công ty nông lâm trường khác?” - Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Đối với cổ phần hoá, Phó Thủ tướng cho rằng cần tính toán rõ trường hợp nào Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối, trường hợp nào bán hết cho thành phần kinh tế khác, trường hợp nào Nhà nước giữ quyền phủ quyết với tỷ lệ nắm giữ 36% cổ phần. Về việc này, Phó Thủ tướng cho rằng Chính phủ sẽ để thẩm quyền này cho địa phương, đơn vị quyết định để xử lý các vấn đề sau cổ phần hoá và đề nghị các địa phương cần có ý kiến cụ thể.