Người dân thôn Hoàng Trung, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội đặt cho ông Nguyễn Văn Hòa biệt danh “vua sen”, vì ông là người đầu tiên ở khu vực trồng sen với quy mô hàng hóa. Đến nay, với 400 sào Bắc Bộ trồng sen, ông thu về hơn 1 tỷ đồng/năm.
Bỏ lúa trồng sen
Những bông sen cuối cùng của một vụ mùa thắng lợi. Ảnh: Nguyễn Văn Công
"Ông Hòa là hộ sản xuất nông nghiệp giỏi ở huyện, góp phần giúp du khách nhiều nơi biết đến Hoàng Trung như một ngôi làng có sản phẩm du lịch. Năm nay đã 62 tuổi nhưng khát vọng làm giàu của ông Hòa chưa dừng lại, hy vọng trong thời gian tới cánh đồng sen của ông tiếp tục phát triển, thu hút đông đảo du khách tới tham quan”. Ông Lê Xuân Sinh - |
Xuất thân là một người nông dân trồng lúa, cứ xã cho đấu thầu chỗ đất này, ai cho cấy chỗ ruộng kia ông đều nhận hết, kể là ruộng trũng ngập quanh năm. Đỉnh điểm đến năm 2005, ông Hòa trồng 150 sào lúa, kết hợp với đó là nuôi vịt, nuôi cá. Tuy vậy, huy động nhân lực gia đình 4 người, mỗi năm chỉ để ra chưa đến 100 triệu đồng. Rồi cũng năm 2005, dịch cúm A H5N1 ập đến, vịt, gà, trứng không ai thèm mua, phải tiêu hủy la liệt, khu ruộng nhà ông bị ngập đến gần 2m, rơm thì nhiều mà không thu được hạt nào. Mất trắng. Ông phải cầm cố sổ đỏ vay ngân hàng để trả nợ.
Đợt dịch đi qua, khu đồng nhà ông tan hoang. Ông nghĩ rằng không thể mãi trồng lúa như này được nữa, vì khu ruộng này là khu trũng nhất xã, trồng lúa may thì đủ ăn không thì sẽ thất bại. Đúng dịp đó, sen trong làng nở nhiều, thơm ngát, nhiều người mua sen đi chùa làm ông nảy ra ý định “mình sẽ chuyển từ trồng lúa sang trồng sen”.
Rồi ông bắt đầu đạp xe tới các vùng lân cận, tìm đến các hồ sen trồng và học hỏi kinh nghiệm. Ngày đó, gọi là trồng nhưng đa phần họ cũng để tự nhiên, trồng với mục đích “đẹp là chính” nhưng ông không bỏ cuộc, ông nghĩ rằng trồng tự nhiên sen còn lên đẹp, nếu có tay người chăm sóc chắc chắn sẽ năng suất hơn, cho hoa đẹp hơn.
Ông chạy vạy khắp nơi vay được 30 triệu đồng để mua giống là ngó sen và hàng ngày cùng vợ con đào ruộng sâu thêm, be bờ, dọn cỏ. Từng ngó sen cắm xuống ông gieo luôn cả hy vọng. Chỉ trong mấy ngày ông đã gieo xong 150 sào sen đầu tiên và chỉ sau 3 tháng sen đã cao tới đầu, cho thu những bông sen, đài sen thơm ngát.
Những năm đầu ông vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm. Sen tuy đẹp nhưng nở rộ vào 2 tuần thu hoạch và tiêu thụ không kịp. Hơn nữa, bông sen chưa được to, hạt sen trong đài không phình kín làm nước mưa vào gây thối, úng. Năm sau, ông xin xã đấu thầu thêm những ruộng lân cận, nâng dần tổng diện tích lên đến 400 sào, ông cũng cắm ngó sen cách nhau một thời gian nhất định để tránh nở dồn dập.
Chị Nguyễn Thị Dũng - công nhân trên cánh đồng sen nhà ông Hòa cho biết: “Ở đây đa phần là ruộng trũng trồng lúa không thu được bao nhiêu, nhưng mạnh dạn trồng sen quy mô lớn thì mới chỉ có ông Hòa. Cánh đồng của ông luôn duy trì khoảng 20 thợ làm việc quanh năm, đến vụ thu hoạch lên đến 30 - 35 thợ, thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Chế tạo máy, kết hợp mô hình tổng hợp
Ông Hòa cho đài sen vào chiếc máy tách hạt do ông tự sáng chế. Ảnh: V.C
Không chỉ tập trung vào sen, ông Hòa còn kết hợp nuôi bò, nuôi cá, trồng nhãn, bưởi, chế tạo máy tách hạt. Nhận thấy việc bóc tách hạt sen từ đài sen rất thủ công và năng suất thấp, với kinh nghiệm của mình ông đã tự chế tạo ra máy tách hạt dựa trên nguyên tắc máy tuốt lúa.
Máy được chạy bằng mô tơ có dây cu-roa, bánh răng đập được làm bằng cao su cứng và được quay trong thùng kín dung tích 50 lít. Đài sen sau khi được phơi khô rồi đem bỏ vào máy đập, máy sẽ đập tan vỏ và cho hạt rơi xuống lỗ nhỏ ở dưới. Công suất ước chừng gấp 20 lần so với bóc tay thủ công. Hiện tại ông đang nghiên cứu chế tạo máy sấy hạt để thay thế khâu cuối cùng trước khi hạt được đưa đi bán.
Ngoài ra, với lợi thế trồng sen ở hồ nước, ông còn nuôi thêm cá, chủ yếu là cá trắm. Trên bờ, ông nuôi thêm 10 con bò để ăn cỏ tự nhiên, bớt công cắt cỏ, phân bò cho xuống cánh đồng sen làm sen tốt hơn, hoa đậm màu. Cùng với đó là vài trăm gốc nhãn, gốc bưởi cho thu bình quân trên 50 triệu đồng một năm. “Mấy năm nay thời tiết cũng thuận nên thu hoạch sen tốt hơn, như vụ vừa rồi sen thu trong tháng tư, cao điểm được 5.000 đồng/bông, mỗi sào thu được từ 70 - 100 bông, rồi đến tháng năm, tháng sáu thu được trên 10 tấn hạt sen, bán ra với giá 35.000 đồng/kg, đầu ra khá ổn định” - ông Hòa chia sẻ.
Tiến tới điều khác biệt
Hỏi về dự định của ông trong các vụ mùa sắp tới, ông Hòa cười bảo: “Dự định thì mình chỉ nghĩ trong đầu thôi, làm được đến đâu thì làm chứ không tự gây áp lực. Tôi tính năm sau thầu thêm 100 sào nữa và chỉ trồng sen trắng để lấy hoa vì sen này có giá bán cao hơn, người dân chuộng hơn. Tôi cũng sẽ nghiên cứu chế tạo máy sấy để giảm công lao động, bên cạnh đó là phát triển dịch vụ chụp ảnh đầm sen cho thanh niên. Tôi sẽ biến cánh đồng sen nhà mình thành hồ Tây thứ 2 ở Hà Nội”.
Đúng tính cách của người nông dân chân chất, ông Hòa hồn nhiên kể: “Tôi còn đang tính tự xử lý hạt sen làm thuốc Đông y, vì hạt sen, tâm sen rất tốt cho người mất ngủ, còn hiện tại tôi chưa có nhiều kiến thức về sơ chế lắm”.
Ông Hòa cũng đang tính đến chuyện ướp chè sen. “Tôi nghiện uống chè từ nhỏ, thường ướp để uống và mời bạn bè, ai cũng khen ngon, định ướp số lượng lớn mà chưa tìm được đầu ra ổn định. Cây sen trông thế mà cái gì cũng cho thu được, hôm bữa tôi xem trên truyền hình lá sen có đặc điểm không thấm nước nên đang được nghiên cứu ứng dụng trong khoa học vật liệu, chế tạo các bề mặt tự làm sạch”.
Tính đến nay, ông Hòa đã trồng sen được 14 năm, vừa quản lý thợ, vừa phụ trách chuyên môn, đầu ra của sen cũng là công nhân chính. Cánh đồng sen bạt ngàn tạo việc làm ổn định cho trên 20 lao động trong xã, đa phần họ đều là các hộ khó khăn, có gia đình cả 2 vợ chồng đều làm cho ông Hòa từ những ngày đầu lập nghiệp.
Ông Lê Xuân Sinh - Trưởng thôn Hoàng Trung cho biết: “Ông Hòa là hộ sản xuất nông nghiệp giỏi ở huyện, góp phần giúp du khách nhiều nơi biết đến Hoàng Trung như một ngôi làng có sản phẩm du lịch. Năm nay đã 62 tuổi nhưng khát vọng làm giàu của ông Hòa chưa dừng lại, hy vọng trong thời gian tới cánh đồng sen của ông tiếp tục phát triển, thu hút đông đảo du khách tới tham quan”.