Những chai nước, ly nước, văn phòng phẩm làm bằng thủy tinh, hay ly giấy sử dụng 1 lần được bày biện tại trụ sở cơ quan Thành ủy, UBND TP.Đông Hà tại các cuộc họp, hội nghị hoặc người dân đến liên hệ công việc sử dụng khi có nhu cầu. Điều này khiến nhiều người bất ngờ bởi lúc trước, tại những nơi này đều dùng các loại chai nhựa, ly nhựa, túi nylon.
Khẩu hiệu kêu gọi xách giỏ đi chợ, hạn chế sử dụng nylon xuất hiện tại nhiều chợ mua sắm ở Quảng Trị. Ảnh: T.N
"Tặng tiền để động viên người dân nói không với túi nylon. Làm việc này, cả chúng tôi và người được nhận tiền đều vui, từ đó cùng nhau gìn giữ môi trường”. Ông Lê Văn Triêm - Trưởng Ban quản lý chợ Trung Chỉ |
Vừa qua, Siêu thị nông sản hữu cơ Quảng Trị là đơn vị doanh nghiệp đầu tiên ở tỉnh này triển khai chương trình tặng miễn phí các túi vải thay thế túi nilon, túi nhựa truyền thống cho người tiêu dùng.
Giải thích về ý tưởng này, bà Phạm Diễm Lệ - Giám đốc Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị chia sẻ: “Chúng tôi luôn hướng đến cung cấp các sản phẩm nông sản sạch, thân thiện với môi trường đến tay khách hàng, vì thế việc nói không với túi nylon cũng góp phần tuyên truyền đến người dân ý thức nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ nhất”.
Khoảng một tháng trở lại đây, nhiều người đã rất bất ngờ khi được nhận 10.000 đồng tại chợ Trung Chỉ (Đông Lương, TP.Đông Hà, QuảngTrị), với điều kiện trên tay đang cầm theo chiếc giỏ để hạn chế sử dụng túi nylon. Người đứng ra tặng tiền là ông Lê Văn Triêm (65 tuổi, trưởng Ban quản lý chợ Trung Chỉ).
Đây là việc làm tự phát của Ban quản lý chợ Trung Chỉ và cá nhân ông Triêm (người chỉ có khoản lương khoảng 1,3 triệu đồng/tháng) bắt đầu từ dạo Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phối hợp với Phòng TNMT thành phố chọn khu chợ này để làm lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa vào tháng 6/2019.
Theo ông Triêm, kinh phí để tặng tiền cho người đi chợ mang theo giỏ được trích từ một phần tiền của Ban quản lý có được nhờ trông giữ xe và cả phần tiền túi của ông.
“Chúng tôi cũng chỉ tặng cho người đi chợ chứ không tặng tiểu thương. Tặng tiền để động viên người dân nói không với túi nylon. Làm việc này, cả chúng tôi và người được nhận tiền đều vui, từ đó cùng nhau gìn giữ môi trường”- ông Triêm nói.
Theo bà Nguyễn Hồng Hải- Chủ tịch Hội Phụ nữ TP.Đông Hà, phong trào chống rác thải nhựa đã được Ban thường vụ Thành ủy Đông Hà chỉ đạo và trở thành hoạt động sâu rộng trên địa bàn thành phố. Trong đó, Hội Phụ nữ đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức các cuộc thi phòng chống rác thải nhựa, tặng làn nhựa. Đặc biệt là đã làm lễ phát động tại chợ Trung Chỉ để từ đây lan tỏa ra nhiều điểm ở trong thành phố về phong trào đi chợ bằng làn nhựa, dùng hộp nhựa sử dụng nhiều lần để đựng thực phẩm thay vì dùng túi nylon.
Ông Nguyễn Trường Khoa- Giám đốc Sở TNMT Quảng Trị cho biết: “Cuộc chiến” với rác thải nhựa ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng, đòi hỏi sự chung tay của từng cá nhân, đây được coi là thách thức thứ hai toàn cầu sau biến đổi khí hậu. Vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta cần có những hành động thiết thực để kiểm soát, ngăn chặn phát thải rác thải nhựa một cách hiệu quả.