Dân Việt

Lão nông chăm điều, cao su như chăm...con mọn

Văn Dũng 22/08/2019 05:05 GMT+7
Suốt 40 năm gắn bó, lão nông Phạm Mạnh Thêm (xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) đã coi việc chăm sóc vườn cây cao su lấy mủ và giống điều mới như chính việc chăm sóc cho người thân của mình. Ông luôn tâm niệm, chăm sóc tốt vườn cây, khai thác mủ bảo đảm quy trình kỹ thuật sẽ cho năng suất cao, thu nhập ổn định, lâu dài.

Clip: Lão nông chăm điều, cao su như chăm...con mọn

Lập nghiệp trên vùng đất cằn cỗi

Năm 1979, sau khi tốt nghiệp Trường Cơ khí Nông nghiệp ở tỉnh Hòa Bình, ông Phạm Mạnh Thêm được Bộ NNPTNT phân công vào tỉnh Sông Bé (nay đã tách thành tỉnh Bình Phước và tỉnh Bình Dương) để phát triển cây cao su tại vùng đất cằn cỗi này.

Để trở thành một người thợ giỏi và được anh em người lao động tin tưởng và gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng như bây giờ, ông Thêm đã phải trải qua rất nhiều vất vả.

img

  Lão nông Phạm Mạnh Thêm gắn bó cả cuộc đời với cây cao su.  Ảnh: V.D

Tuy nhiên, với bản lĩnh của người đảng viên kiên trung, cũng như áp dụng được những kỹ thuật đã được học tại giảng đường nên ông đã sớm vượt qua được mọi khó khăn, thử thách những năm đầu đến với vùng đất mới.

Năm 1991, từ vườn cao su với diện tích 10ha ban đầu được Nhà nước cấp, ông Thêm đã mở rộng diện tích vườn lên 20ha để tái canh 2 trong 1 (trồng xen cao su và điều).

Với công việc chăm sóc, khai thác mủ, ông nhận thấy việc nâng cao tay nghề là yếu tố quyết định đến việc khai thác vườn cây đúng kỹ thuật, duy trì ổn định hết chu kỳ khai thác và sản lượng mủ đạt chất lượng cao. Vì thế, ông chịu khó học hỏi thêm kỹ thuật ở đồng nghiệp để rèn luyện tay nghề; thường xuyên tìm tòi những kỹ thuật hay ở sách báo để có những cách làm khoa học mang lại hiệu quả.

Vừa qua, Hội đồng bình chọn chung khảo đã bỏ phiếu bình chọn ông Phạm Mạnh Thêm là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước xứng đáng nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 10/2019.

Làm lý lịch cho cây

Theo ông Thêm, để cây cao su cho sản lượng mủ tốt và điều cho năng suất cao. Yếu tố đầu tiên là việc chọn cây giống sẽ quyết định cho năng suất và thành phẩm, bên cạnh đó cần phải có kỹ thuật tốt và theo dõi lý lịch của cây (đo chu vi cây), kịp thời phát hiện những cây bị bệnh để ngăn ngừa, chú trọng khâu bón phân, vệ sinh vườn cây.

“Trong suốt 40 năm qua, việc thức dậy đi làm từ lúc 1 giờ sáng là chuyện bình thường. Chăm sóc cây cao su như chăm con mọn bởi công đoạn nào cũng đòi hỏi phải kỹ lưỡng và cẩn thận. Lúc trời mưa to mọi người thì chạy đi tránh mưa, còn những người công nhân cạo mủ cao su thì phải đứng mưa, chăm sóc cho từng giọt mủ cao su không bị ướt, chỉ cần dính nước mưa là mủ cao su hỏng phải bỏ đi. Dẫu công việc có vất vả, giá cao su hiện tại chỉ bằng một nửa những năm trước nhưng tôi vẫn lao động hăng say, tận tụy với công việc và tiếp tục gắn bó trọn đời với cây cao su” - ông Thêm trải lòng.

Qua cách nói chuyện với ông Thêm, chúng tôi cảm nhận rõ tình yêu với cây cao su của ông. Đã 40 năm gắn bó với cây cao su, thế nên, ngày nào không vào lô cao su, không ngửi được mùi hương đặc trưng từ dòng nhựa trắng, ông lại cảm thấy nhớ.

Hiện tại, nhờ có tình yêu đặc biệt đối với cây, cũng như biết áp dụng tốt khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc, thu hoạch nên mỗi năm, sau khi trừ chi phí và chi trả lương cho công nhân, gia đình ông Thêm thu lãi gần 3 tỷ đồng từ việc bán mủ và hạt điều thô.

Ngoài việc có kỹ thuật tốt trong việc chăm sóc và thu hoạch sản phẩm, ông Thêm luôn là người gần gũi với công nhân cũng như người dân địa phương.

Ông thường xuyên tham gia các chương trình hỗ trợ người dân, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc nâng cao tay nghề và kỹ thuật chăm sóc vườn cây và cùng với bà chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.

Với những thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, ông Phạm Mạnh Thêm nhận được bằng khen Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.