Hiện có hai địa điểm mở bán hồ sơ: Một là ở UBND xã Hòa Chính, hai là ở Trung tâm DVĐG tài sản (quận Hà Đông). Quy trình thực hiện lại như từ đầu. Sau khi bán hồ sơ xong, đến ngày 7-8/9 tổ chức cho xem gỗ; ngày 9-10/9 bắt đầu đặt tiền; sáng ngày 12/9 tổ chức đấu giá tại trụ sở UBND xã Hòa Chính.
"Do thời gian đấu giá, mức giá, số lượng gỗ có sự thay đổi nên những cá nhân, doanh nghiệp trước đây từng mua hồ sơ rồi hoặc chưa mua đều phải mua lại bộ hồ sơ mới và phải nộp tiền đặt cọc theo quy định mới được tham gia phiên đấu giá", ông Tuyến nói.
Cây sưa trong khuôn viên đình, chùa thôn Phụ Chính được đốn hạ.
Thông tin về mức giá lô gỗ sưa, ông Tuyến cho rằng gần như không thay đổi. Cụ thể, theo thông báo đấu giá của Trung tâm DVĐG tài sản ngày 20/8 cho thấy, lô gỗ sưa được chặt hạ từ 2 cây sưa trong khuôn viên đình, chùa thôn Phụ Chính được chia làm 5 nhóm.
Trong đó, số gốc nhỏ, rễ cây sưa sẽ được bán với giá sàn (mức thấp nhất) là 6,5 triệu đồng/kg; phần thân cây sưa, tuỳ theo chất lượng gỗ sẽ được phân thành các loại giá sàn khác nhau: loại 32 triệu đồng/kg (nhóm đặc biệt); loại 28 triệu đồng/kg (nhóm 1); loại 22 triệu đồng/1kg (nhóm 2); loại 15 triệu đồng/kg (nhóm 3).
Tổng giá trị giá của cả 5 nhóm tạm tính theo khởi điểm là hơn 146 tỷ đồng. Đáng chú ý, toàn bộ số gỗ sưa trên là gỗ nguyên lõi, đã được cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính đẽo vỏ rác.
Gỗ sưa được để trong container nằm sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính và được dân làng thay phiên nhau trông giữ.
Theo Trưởng thôn Phụ Chính, phiên đấu giá gỗ sưa ngày 4/7 (phiên đấu giá lần 1-PV) phải hoãn vì lý do nhiều người cho rằng việc người dân thôn Phụ Chính để cả vỏ, rác bám thân cây gỗ sưa và bán với giá cao là không hợp lý.
Do vậy, mới đây (ngày 6-8/8) người dân trong thôn thống nhất thuê 20 người thực hiện việc loại bỏ toàn bộ phần rác và vỏ của hơn 5 tấn gỗ sưa, chỉ giữ lại phần lõi đem bán đấu giá.
"Số vỏ gỗ sưa và rác bị loại bỏ đi ước tính vào khoảng 3-5 tạ. Hiện tại, toàn bộ số lõi gỗ sưa vẫn đang được bảo quản ở trong thùng container và có người trông nom cẩn thận", Trưởng thôn Phụ Chính thông tin.
Cũng theo thông báo đấu giá, người tham gia đấu giá sẽ phải đặt cọc tối thiểu từ 1,5 tỷ đồng đến 9,8 tỷ đồng tùy vào nhóm gỗ sưa khi tham gia đấu giá. Giá của bộ hồ sơ đấu giá là 500 nghìn đồng/bộ. Hồ sơ tham gia đấu giá được bán từ ngày 22/8 đến 16h30 ngày 9/9/2019.
Người dân đẽo vỏ lô gỗ sưa trước ngày mở bán đấu giá lần hai.
Trước đó, vào sáng 27/1/2019, người dân trong thôn Phụ Chính (xã Hoà Chính, huyện Chương Mỹ) cùng lực lượng chức năng bắt đầu chặt hạ 2 cây sưa trong chùa Phụ Chính. Đây là cây sưa từng được trả giá 100 tỷ đồng.
Tại khu vực khuôn viên chùa có 2 cây sưa, một cây có chiều cao khoảng trên 10m, đường kính trên 1m, cỡ 2 người ôm, 130 năm tuổi. Một cây khác cũng có chiều cao hơn 10m, đường kính khoảng 80cm, khoảng gần 100 năm tuổi.
Sau khi chặt hạ, người dân kiểm đếm gỗ và cho vào trong thùng container hàn chắc chắn lại. Thùng container chứa gỗ sưa sẽ được để ở sân nhà văn hóa thôn. Hàng ngày, có tổ bảo vệ, công an xã thay nhau trông nom.
Năm 2018, UBND TP. Hà Nội có văn bản đồng ý cho người dân ở xã Hoà Chính, huyện Chương Mỹ bán đấu giá cây sưa từng được định giá 100 tỷ đồng nằm trong khuôn viên chùa Phụ Chính. Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Hà Nội cho hay, số cây sưa còn lại trong chùa Phụ Chính, xã Hoà Chính là loại gỗ nhóm IA, cây trồng phân tán thuộc sở hữu của cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính.
Chính vì vậy, việc khai thác, sử dụng số gỗ sưa còn lại tại thôn Phụ Chính do cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính quyết định. Tuy nhiên, việc tổ chức bán đấu giá gỗ sưa sau khai thác phải thực hiện công khai theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Số tiền thu được từ việc bán gỗ sưa cũng hoàn toàn do cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính quyết định.