Chiều ngày 24/8, tại huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức hội thảo chia sẻ, trao đổi thông tin về lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ (BHNT).
Ông Ngô Trung Dũng: "Nếu lỗi do đại lý bảo hiểm thì khách hàng vẫn được bảo đảm quyền lợi".
Các chuyên gia ngành bảo hiểm khẳng định BHNT chính là giả pháp tài chính giúp cá nhân, gia đình sớm ổn định tài chính khi xảy ra những biến cố trong cuộc sống, đồng thời chia sẻ những vướng mắc, khó khăn, những vấn đề thường gặp trong ngành BHNT.
Một vấn đề quan trọng được đề cập tại hội thảo là trong thực tế, nhiều đại lý vì áp lực doanh số, lợi nhuận, cốt yếu cho khách hàng ký hợp đồng để hưởng hoa hồng mà tư vấn không có tâm, không đầy đủ quy định... Khi rủi ro xảy ra, khách hàng không được chi trả quyền lợi bảo hiểm; Vấn đề vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội Bảo hiểm; Việc xử lý các đại lý tư vấn sai như thế nào?...
Về những vấn đề trên, ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, Hiệp hội Bảo hiểm và các công ty bảo hiểm đau đầu vấn đề nâng cao trình độ cho đại lý bảo hiểm.
Hiện, có tới 8.000 đại lý bảo hiểm trong danh sách đại lý vi phạm do có những sai phạm, không tuân thủ các quy định của công ty bảo hiểm, tư vấn không đầy đủ, không trung thực... dẫn đến tranh chấp quyền lợi bảo hiểm.
Các đại lý ngoài việc bị lập danh sách vi phạm, không được các công ty bảo hiểm ký hợp đồng đại lý trong thời gian nhất định, không được hoạt động trong lĩnh vực BHNT, còn phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của từng công ty bảo hiểm.
"Tuy nhiên, nếu sau khi điều tra, phát hiện ra đại lý bảo hiểm tư vấn sai, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng thì các công ty bảo hiểm vẫn bảo đảm quyền lợi cho khách hàng mua BHNT", ông Dũng khẳng định.
Ông Dũng dành nhiều thời gian nêu những vướng mắc thường gặp lớn nhất dẫn đến tranh chấp quyền lợi bảo hiểm.
Thực tế, có nhiều nguyên nhân xảy ra tranh chấp quyền lợi bảo hiểm giữa khách hàng và các công ty BHNT, nhưng nguyên nhân lớn nhất là khách hàng không kê khai trung thực thông tin cá nhân. Ví dụ như che giấu thông tin bệnh lý. Trong bảng câu hỏi thường có những câu hỏi về tiền sử bệnh tật, đã từng điều trị bệnh gì... nhưng nhiều khách hàng trả lời không đúng với thực tế.
Nguyên tắc trung thực là nguyên tắc quan trọng và được quy định trong Luật Bảo hiểm.
Các đại biểu tham gia hội thảo chiều 24/8.
Trong thực tế, các doanh nghiệp thường từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm khi khách hàng không kê khai bệnh của mình. Khi mua bảo hiểm được một thời gian ngắn thì xảy ra sự cố, tử vong, công ty bảo hiểm điều tra và biết được tiền sử bệnh tật của khách hàng nên từ chối chi trả quyền lợi. Hậu quả là xảy ra tranh chấp quyền lợi bảo hiểm giữa hai bên.
Nguyên nhân lớn thứ hai xảy ra tranh chấp là có sự thay đổi nghề nghiệp, nơi ở nhưng không thông báo. Ví dụ như khi mua bảo hiểm thì làm nông nghiệp nhưng sau đó thay đổi sang nghề nguy hiểm hơn, độ rủi ro cao hơn. Hoặc thay đổi nơi ở đến vùng dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Có thể khách hàng không cố tình mà do lỗi vô ý không biết, không xem kỹ hợp đồng bảo hiểm cũng dẫn đến hậu quả đáng tiếc là không được chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Một vấn đề lớn nữa để xảy ra tranh chấp đó là vấn đề thủ tục. Nguyên tắc khi xảy sự cố thì khách hàng phải phối hợp với công ty bảo hiểm hoàn tất hồ sơ chi trả bồi thường. Tuy nhiên, nhiều khách hàng không hiểu cho rằng bên bảo hiểm gây khó khăn và không muốn bồi thường.
Các chuyên gia khuyến cáo thêm một số nguyên nhân xảy ra tranh chấp như: Khách hàng trục lợi bảo hiểm, cố tình làm hồ sơ sai, tử vong do tai nạn, hoặc tự gây thương tích cho bản thân... Việc chứng minh khách hàng trục lợi trong nhiều trường hợp là rất khó.
Chuyên gia cũng nêu một số vấn đề pháp lý, dự thảo sửa đổi bổ sung một số quy định trong ngành bảo hiểm cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Chẳng hạn như có nhiều ý kiến đề xuất nên quy định tư vấn viên bảo hiểm phải tốt nghiệp đại học để tăng hiệu quả và giảm tối đa tranh chấp quyền lợi giữa khách hàng và công ty bảo hiểm.
"Khi có tranh chấp giữa khách hàng với công ty bảo hiểm, có một số khách hàng sau khi không giải quyết được với doanh nghiệp thì có thể gửi đơn đến Hiệp hội để được hỗ trợ, hoặc khởi kiện tranh chấp ra tòa án để được giải quyết", ông Dũng cũng thông tin thêm.