Dân Việt

Từ cậu bé bán kem gia cảnh nghèo đói đến ông “vua” cá giống

Lê Tập-Trần A 25/08/2019 19:26 GMT+7
Từ hai bàn tay trắng với ý chí, quyết tâm làm giàu, ông Đinh Đăng Tuân (SN 1972, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã trở thành “vua” cá giống tại Quảng Bình. Ít ai biết được ông Tuân đã có một tuổi thơ cơ cực, nghèo khó, từng phải đi bán kem...

Clip: Từ cậu bé bán kem gia cảnh nghèo đói đến ông “vua” cá giống

Từ cậu bé bán kem dạo

Trang trại của ông Đinh Đăng Tuân cách quốc lộ 1A chừng 200m (thuộc địa phận xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Cơ ngơi trang trại hàng tỷ đồng của ông gồm hệ thống ao hồ nuôi thủy sản, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm… đã trở thành một điểm sáng trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tại đây.

img

Dù hôm nay ông Tuân đã gây dựng lên cơ ngơi tiền tỷ nhưng trên gương mặt người đàn ông này vẫn in hằn dấu vết của những năm tháng tuổi thơ đầy cơ cực, nghèo khó...

Tâm sự với chúng tôi, ông Đinh Đăng Tuân kể, ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có 8 anh chị em. Trong gia đình, ông Tuân là con út, gia đình thuộc diện khó khăn của xã Hưng Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình).

Từ nhỏ, ông Tuân đã phải bươn chải mưu sinh để kiếm tiền phụ giúp ba mẹ nuôi 3 người anh, chị, em trong gia đình bị tâm thần phân liệt, lúc tỉnh, lúc mê. Đến lớp 6, do nhà quá nghèo, ông Tuân đành nghỉ học và xin bố mẹ sắm cho chiếc xe đạp và cái thùng xốp đi bán kem dạo khắp vùng.

img

 Ông Đình Đăng Tuân (SN 1972, xã Hưng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình) sở hữu một trại cá giống trị giá hàng tỷ đồng. (ảnh: Lê Tập)

Những đồng tiền lẻ từ việc bán kem, một phần ông đưa cho mẹ, phần còn lại ông bỏ vào ống tre dành làm vốn, ấp ủ ước mơ gây dựng trạng trại ngay trên đồng quê mình để thoát nghèo.

“Bởi bán kem dạo nên tôi đạp xe qua nhiều cánh đồng xanh mướt và chợt nghĩ sao mình lại không thể trở thành một ông chủ trang trại nhỉ. Và tôi bắt đầu bắt tay thực hiện ước mơ đó” - ông Đinh Đăng Tuân thổ lộ. Nghĩ là làm, năm tuổi 17, ông Tuân tham gia vào Hội Nông dân xã Hưng Thủy để học cách làm ăn của những người nông dân đi trước, những người khá lên từ mảnh đất này. Năm 2000, ông Tuân lấy vợ, hai vợ chồng ông làm đơn xin xã cấp một mảnh đất ở cánh đồng cát của làng và dựng cái chòi ở luôn tại đó.

img

Ông Tuân bên một bể ương cá giống của gia đình.

Ngày lại ngày, vợ chồng ông cùng một số anh em thân thiết hì hục đào ao. Gần một tháng trời vợ chồng ông đã có được cái ao cá đầu tiên rộng 200m2.

Đào được ao, ông Tuân mua giống thả lứa cá đầu tiên nhưng do diện tích ao cá còn nhỏ và con giống quá đắt lại phải đi xa nên cuối vụ thu hoạch chẳng lãi được bao nhiêu.

Trở thành “vua” trang trại vùng cát nóng

Năm 2008, thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng một số loại cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Ông Đinh Đăng Tuân đã vận động các hộ gia đình có ruộng sản xuất kém hiệu quả nhượng lại cho gia đình ông để xây trang trại. 

Hàng năm, trang trại của ông Đinh Đăng Tuân giải quyết việc làm thường xuyên cho 10-12 lao động mức lương ổn định 4-5 triệu đồng/tháng và thu hút 20-30 lao động thời vụ vào mùa thu hoạch cá. Mỗi năm trừ các chi phí gia đình ông Tuân lãi hơn 500 triệu đồng.

Trong thời gian đó, ông Tuân vào tỉnh Khánh Hòa học nuôi cá giống. Sau đó, ông lại ra Bắc Ninh xin vào Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản T.Ư 1 để học nghề nuôi thủy sản nước ngọt.

Ông Đinh Đăng Tuân chia sẻ: “Khi biết việc, tôi chọn sản xuất cá giống. Sản xuất cá giống vừa có thời gian quay vòng vốn khá nhanh vừa tiêu thụ mạnh và giúp được người dân quanh vùng”.

Từ diện tích ban đầu 200m2, trang trại của ông đã mở rộng thành 5ha. Trong đó, diện tích ao hồ 3,5ha được ông Tuân kết hợp nuôi cá thịt, cá giống các loại, kết hợp với nuôi vịt thịt, vịt đẻ trứng. Hàng năm xuất 3,5 tấn cá các loại. Diện tích chăn nuôi 1.200m2 trước đây ông dành để nuôi 50 con lợn nái ngoại, 1.200 - 1.500 lợn thịt/năm. Thế nhưng, khi biết thông tin dịch tả lợn châu Phi lan nhanh ở các tỉnh, ông đã bán đi phần lớn số lợn trong trang trại để tránh ảnh hưởng của dịch bệnh.

img

Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019 Đinh Đăng Tuân kể lại với phóng viên Báo điện tử Dân Việt hành trình gian nan, cực khổ của mình để từ một cậu bé bán kem ngày xưa để tiến tới nông dân tỷ phú ngày hôm nay.

Ngoài việc chăm lo sản xuất, kinh doanh trang trại, ông Tuân đã tham gia tích cực các hoạt động xã hội: Tham gia Ban Chấp hành Hội Nông dân Huyện Lệ Thủy; Ban Thường vụ Hội Nông dân xã; tham gia Ban Mặt trận khu dân cư nông thôn… Đặc biệt, hàng năm bản thân gia đình ông đã đóng góp bằng tiền mặt số tiền từ 80-100 triệu đồng để giúp đỡ 8-10 hộ nông dân nghèo ở địa phương.

Ông Đinh Đăng Tuân còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trang trại xã Hưng Thuỷ. Qua Câu lạc bộ này, ông Tuân đã hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho hàng chục hội viên phát triển trang trại.

img

Khuôn viên trang trại nuôi cá giống, cá thịt của ông Đinh Đăng Tuân.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt, ông Lê Công Toán - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình cho biết: “Từ hộ nghèo khó, trên vùng đất gió Lào cát trắng, ông Đinh Đăng Tuân đã tự học và đem tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đây rõ ràng là điển hình xuất sắc của nông dân”.

Với thành tích vượt khó vươn lên khá giả trong lao động sản xuất, trong phong trào thi đua của địa phương, ông Đinh Đăng Tuân vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Vừa qua, ông Đinh Đăng Tuân được bình chọn là 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” sẽ được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2019 tại Thủ đô Hà Nội.