Dân Việt

Thành phố nông nghiệp công nghệ cao “khát” nhân lực

Khải Huyền 26/08/2019 05:45 GMT+7
Là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, TP.HCM thu hút đông đảo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thành phố đào tạo hàng triệu sinh viên mỗi năm nhưng ngành nông nghiệp vẫn “khát” lao động trình độ cao.

PGS-TS Dương Hoa Xô - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, là trung tâm kinh tế trọng điểm của cả nước, TP.HCM cũng không quên vai trò, vị trí của ngành nông nghiệp. Các doanh nghiệp nông nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao… những năm gần đây có xu hướng tăng vốn đầu tư, mở rộng hoạt động tại TP.HCM. Do đó, nhu cầu nguồn nhân lực là rất lớn.

Thiếu người, thiếu kiến thức… là những rào cản mà Sở NNPTNT và các doanh nghiệp luôn phải tìm cách giải quyết.

img

Sinh viên ngành nông nghiệp trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thực hành trong phòng thí nghiệm. (ảnh: Internet)

Theo ông Xô đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong ba giải pháp cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của TP.HCM hiện nay. Thời gian qua, thành phố có nhiều chính sách thu hút người lao động lĩnh vực nông nghiệp hợp tác làm việc với TP.HCM.

Tuy nhiên, một số ngành trong nước không đủ người nên phải thuê chuyên gia nước ngoài như năm 2017, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM đã ký hợp đồng với 3 chuyên gia Việt kiều về các lĩnh vực như sinh học phân tử, Công nghệ sinh học Y dược và Công nghệ Sinh học tế bào người, động vật và lĩnh vực công nghệ sinh học vật liệu và Nano.

Sở NNPTNT TP.HCM cũng đã xây dựng và trình UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ ngành công nghệ sinh học giai đoạn 2016 - 2020. Liên tiếp nhiều lần TP.HCM cử cán bộ ra nước ngoài học tập, nâng cao trình độ. Theo ông Xô, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong ba giải pháp cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của TP.HCM hiện nay.

Nói như thế để khẳng định rằng, nông nghiệp không chỉ là ngành học mà việc làm chỉ là “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Ngành nông nghiệp Việt Nam đang từng bước phát triển, còn rất nhiều việc phải làm. Để làm được, những người trẻ phải học và tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật, khoa học mới để ứng dụng vào thực tế sản xuất trong nước. Và trong tình hình hiện nay, người học ngành nông - lâm - ngư nghiệp có rất nhiều cơ hội để phát triển bản thân.

Bên cạnh đầu tư đào tạo dài hạn (trình độ thạc sĩ, tiến sĩ) và ngắn hạn cho cán bộ trẻ có năng lực học tập và nghiên cứu về ứng dụng công nghệ cao trong nông tại các viện, trường trong nước và các nước có trình độ khoa học công nghệ phát triển, TP.HCM còn có nhiều chính sách nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; cập nhật thông tin kiến thức về tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cho cán bộ quản lý khoa học và công nghệ, người lao động của các doanh nghiệp, người quản lý, kỹ thuật viên hợp tác xã, tổ hợp tác…

Tuy vậy, tới nay, đội ngũ lao động trình độ cao, có khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp tại thành phố vẫn còn thiếu hụt trầm trọng. Việc thiếu hụt lực lượng cán bộ khoa học trình độ chuyên môn cao, đặc biệt ở một số lĩnh vực mới, công nghệ cao là điều được các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, một số lĩnh vực nghiên cứu về thú y, công nghệ sau thu hoạch, đất và phân bón, thủy sản, lâm nghiệp, cơ điện nông nghiệp… đang có nguy cơ thiếu cán bộ nghiên cứu trầm trọng.

“Việc thu hút cán bộ khoa học công nghệ giỏi là khó, do vướng mắc nhiều vấn đề như thu nhập thấp, điều kiện nghiên cứu, thí nghiệm tại các địa bàn nông thôn không có hoặc ít có điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn… Trong khi sinh viên chọn ngành, chọn nghề thường “chê” khối ngành nông nghiệp vì cho rằng, đây là nghề vất vả, “chân lấm tay bùn” nên ít người chọn học” - ông Xô cho biết.