Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố báo cáo tài riêng lẻ giữa niên độ 2019.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế bán niên 2019 của Agribank đạt 7.793 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận nửa đầu năm lớn nhất từ trước tới nay của Agribank, thậm chí còn cao hơn lợi nhuận cả năm từ trước tới nay (năm 2018 là năm Agribank đạt lợi nhuận trước thuế cao nhất với 7.551 tỷ đồng).
Động lực tăng trưởng quan trọng của Agribank trong nửa đầu năm đến từ mảng tín dụng với 21.196 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng gần 11%.
Các mảng kinh doanh khác của Agribank đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong khi đó, mảng dịch vụ đem về 1.902 tỷ đồng lãi thuần, tăng 18%. Mảng ngoại hối tăng 18,5%, đạt 455 tỷ đồng. Mảng chứng khoán đầu tư đem về 62,2 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái ngân hàng lỗ thuần hơn 20 tỷ đồng từ mảng kinh doanh này.
Đáng chú ý, lãi từ hoạt động khác của Agribank tăng 38,7% đạt hơn 3.717 tỷ đồng, chủ yếu đến từ nợ gốc đã xử lý và lãi của các khoản nợ đã xử lý rủi ro.
6 tháng đầu năm, chi phí hoạt động của ngân hàng tăng 13,2% lên 10.888 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi cho nhân viên. Agribank cũng cho biết, trong nửa đầu năm 2019, thu nhập bình quân của nhân viên tại ngân hàng là 27,56 triệu đồng/tháng, tăng gần 4 triệu so với cùng kỳ năm 2018.
Kỳ này, ngân hàng này đã giảm tỷ lệ lượng trích lập dự phòng đi 17%, tương đương trên 1.720 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2019, tổng tài sản của Agribank đạt hơn 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 5,5% so với đầu năm nhưng vẫn thấp hơn của BIDV (1,4 triệu tỷ đồng). Trong đó, cho vay khách hàng của Agribank chỉ tăng trưởng khiêm tốn với 4,9%, đạt hơn 1,05 triệu tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu 1,63%, đã bao gồm nợ xấu tại VAMC. Đáng chú ý, số trái phiếu đặc biệt của VAMC giảm mạnh từ gần 7.750 tỷ đồng xuống chỉ còn 1.013 tỷ đồng. Trong đó đã trích lập dự phòng hơn 1.012 tỷ đồng, gần như toàn bộ giá trị trái phiếu VAMC.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Agribank đến hết ngày 30/6/2019 đạt 62.718 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng ở mức 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 6,5%.
Tính đến cuối tháng 6/2019, Agribank sở hữu 3.590 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đặc biệt, không đổi so với đầu năm. Đây là loại trái phiếu có kỳ hạn 20 năm phát hành từ năm 2002 đến 2004 có lãi suất cố định là 3,3%/năm, lãi trả hàng năm.
Trái phiếu không được phép chuyển nhượng hoặc đem chiết khấu trong vòng 5 năm kể từ ngày phát hành. Lãi của trái phiếu này được dùng để bổ sung vốn điều lệ theo qui định.
Trong 6 tháng đầu năm, Agribank đã nhận được 23,1 tỷ đồng lãi trái phiếu Chính phủ đặc biệt.
Trong một diễn biến khác, mới đây Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận đợt phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn ra công chúng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Trái phiếu chào bán có mệnh giá 1 triệu đồng, kỳ hạn 7 năm. Lãi suất mỗi năm bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm 1,2%. Trong đó, lãi suất tham chiếu là bình quân lãi suất gửi tiết kiệm cá nhân bằng tiền đồng kỳ hạn 12 tháng của bốn ngân hàng, gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV. Đối tượng trong đợt phát hành lần này tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có lượng vốn nhàn rỗi.
Căn cứ theo mức lãi suất công bố của bốn nhà băng hiện nay, lãi trái phiếu năm đầu tiên của Agribank có thể đạt 8,1% một năm. "Lãi suất hơn 8% có thể không quá cao nếu so với trái phiếu doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn, hiệu quả. Còn nếu so với gửi tiết kiệm thì không kém cạnh tranh bởi biên độ 1,2% cộng thêm, trong khi sản phẩm này cũng có tính lỏng tương đương với tiền gửi tiết kiệm", đại diện Agribank cho biết.
Agribank kỳ vọng sẽ phát hành được toàn bộ 5.000 tỷ trái phiếu, bởi lợi thế từ mạng lưới 2.300 điểm giao dịch.