Clip: Xe chở đá "cày nát" đường tỉnh lộ trên địa bàn huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn.
Đường oằn mình “cõng xe”
Do có địa hình phần lớn là núi đá vôi, nên việc khai thác nguồn khoáng sản này để phát triển kinh tế từ lâu được coi là một lợi thế của huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn). Tuy nhiên, hoạt động khai thác tràn lan trong khi cơ sở hạ tầng chưa kịp đáp ứng đã dẫn đến những hệ lụy rất lớn về giao thông và ô nhiễm môi trường.
Người dân sống xung quanh các mỏ đá luôn phải hứng chịu những ảnh hưởng bởi khói bụi từ nổ mìn phá đá, xe cộ đi lại, thiệt hại ít nhiều đến cây cối, hoa màu.
Được biết, trên địa bàn huyện Hữu Lũng có 4 tuyến đường tỉnh lộ đi qua, trong đó có 3 tuyến là 242 (Phố Vị - Đèo Cà, dài 26,3km), 243 (Gốc Me – Hữu Liên – Mỏ Nhài – Tam Canh, dài 55km), 244 (Minh Lễ - Quyết thắng, dài 15,8km) chạy qua các mỏ đá đang được khai thác.
Theo số liệu thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, tại các tuyến ĐT 242, 243, 244 qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 137 phương tiện vi phạm với số tiền xử phạt trên 237 triệu đồng…
Những con đường bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường rạn nứt, nền nhựa đường bong tróc, ổ gà chằng chịt.
Các tuyến đường 242, 243, 244 đều là những tuyến huyết mạch của huyện Hữu Lũng nhưng lại đang ngày đêm bị các xe trọng tải lớn chuyên vận chuyển đá từ các mỏ cày nát. Mặt đường rạn nứt, nền nhựa đường bong tróc, ổ gà chằng chịt... Tình trạng đá to, đá nhỏ rơi vãi dọc đường xảy ra “cơm bữa”, gây khó khăn cho hoạt động lưu thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT.
Dọc con đường tỉnh lộ 243 không khó để chứng kiến những ngọn núi cao lừng lững bị "ăn" thành những thành vách dựng đứng, nham nhở, có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Mặt khác, tiếng máy nghiền đá hòa quyện cùng tiếng xe trọng tải lớn rầm rập vào “ăn đá” khiến cả khu vực rộng lớn bị náo loạn. Hoạt động khai thác đá tại các mỏ đá đã đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân.
Những ngọn núi cao lừng lững bị ăn dần, ăn mòn thành những thành vách dựng đứng, nham nhở có thể sạt lở bất cứ lúc nào.
Ông Du Văn Đại - Trưởng thôn Gốc Me, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng cho biết: Tỉnh lộ 243 là đường đi lại chính của hàng trăm hộ dân xã Đồng Tân, Yên Vượng… chỉ cho xe có trọng tải 2-3 tấn qua lại. Tuy nhiên vài năm trở lại đây những chiếc xe “siêu trường, siêu trọng” chở đá từ các mỏ đã “cày nát” con đường này. Ngày nắng bụi mù, còn ngày mưa lầy lội nên người dân đi lại rất vất vả. Đáng báo động, tại đường 243 có 3 cây cầu đoạn qua xã Yên Vượng, là Đèo Phiếu, Gốc Me 1, Gốc Me 2 đang phải oằn mình gánh những chiếc xe quá tải lưu thông qua cầu.
Bà Hoàng Thị Thuấn - người dân địa phương cũng bức xúc: "Việc xe chở đá đi lại chung với đường làng, qua khu dân cư là rất bụi bặm và nguy hiểm, nhất là trẻ con đi học. Mỗi lần có các cấp về họp tiếp xúc cử tri bà con chúng tôi đều có ý kiến phản ánh rất nhiều, các cấp lãnh đạo cũng có hứa hẹn nhiều phương án giải quyết khác nhau nhưng hơn 10 năm nay cũng chẳng thấy có phương án nào được thực hiện. Nhiều lần lực lượng chức năng như Thanh tra gia thông, CSGT vào kiểm tra nhưng cũng chẳng làm được gì rồi đâu lại vào đó".
Khó khăn trong xử lý
Trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Khánh Dư, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn xác nhận: Tại địa bàn huyện Hữu Lũng nói chung và các tuyến đường ĐT 242, ĐT 243, ĐT 244 là nơi tập trung nhiều mỏ khai thác đá nên dẫn tới việc có nhiều phương tiện vi phạm.
Các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, phương tiện, lái xe chạy theo lợi nhuận nên tình trạng vi phạm quy chế về chở hàng hóa quá khổ và quá tải cho phép vẫn diễn ra. Các chủ mỏ khai thác đá chưa thực hiện nghiêm quy định liên quan đến tải trọng xe. Đồng thời chưa có sự phối hợp chặt chẽ và xử lý triệt để các vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
Vào những ngày trời mưa, con đường lầy lội nhưng ruộng khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn.
Mặc dù lực lượng TTGT tăng cường kiểm tra, kiểm soát tuy nhiên gặp nhiều khó khăn trong xử lý bởi các chế tài còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, các quy định về vận tải hàng hóa bằng xe ô tô của 1 số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng chủ phương tiện, lái xe còn kém, chạy theo lợi nhuận dẫn đến vi phạm. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, mỏ đá, bến bãi, kho hàng… chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ, chưa quản lý tốt việc xếp hàng hóa lên ô tô, vi phạm chưa được xử lý triệt để tại nơi xuất phát.
“Lịch trình kiểm tra, kiểm soát của lực lượng thanh tra giao thông, các chủ xe, doanh nghiệp hầu như đều nằm rất rõ. Bởi vì dọc tuyến đường đều có các điểm chốt của “chim lợn”, chúng tôi chỉ cần đi ra khỏi khu vực thành phố về hướng Hữu Lũng là đã có người báo để các xe này tạm dừng hoạt động. Việc đối phó này khiến công tác kiểm soát của lực lượng thanh tra không mấy hiệu quả. Một cái khó nữa là lực lượng Thanh tra giao thông khi làm nhiệm vụ phải sử dụng phương tiện chuyên dụng, không được phép cải trang... nên không thể qua mắt được các chốt chim lợn”, ông Dư nói.
Những "hung thần" chở đá ngày đêm cày nát đường tạo thành những ổ voi, ổ gà chằng chịt.
Theo ông Dư, để hạn chế được thực trạng này, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung các giải pháp xử lý vi phạm các doanh nghiệp khai thác mỏ.
Bên cạnh đó, ăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông nhất là các hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện, về kích thước thùng xe tại nơi xuất phát hoặc khu vực kho, bến bãi, mỏ vật liệu xây dựng, nơi tập kết hàng hóa lên xe… trên địa bàn huyện Hữu Lũng nói chung và các tuyến đường ĐT 242, 243, 244 nói riêng để ngăn chặn kịp thời các xe ô tô chở hàng quá tải trọng lưu thông trên đường bộ.