Mỗi ngày, vào lúc 8 giờ sáng và 4 giờ chiều, ông Dương Văn Cần ở làng Hạ, xã Cao Thượng (Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) lại chèo chiếc thuyền nhỏ đi dọc con ngòi thu rọ cua, nhấc bát quái kiếm tôm cá.
Mỗi lần thu lưới, người dân có thể bắt được hàng cân cá dọn bể.
Hơn 15 năm trước một phần của làng Hạ được quy hoạch thành làng thủy sản, những hộ dân như ông Cần rời làng ra trại, làm ao nuôi thả cá. Rìa làng nơi tiếp giáp với xã Việt Lập là con ngòi tiêu nước khá rộng và sâu nên nhiều tôm cua cá. Ông Cần làm thêm nghề thả rọ, đánh lưới.
Với hơn 1 mẫu ao, mỗi năm thu 2 lần cũng được vài chục triệu. Ngày đi hai lần thu và thả rọ được trên 1 kg cua, thời giá ban đầu từ 50 nghìn đồng/kg rồi tăng đến 100 nghìn đồng/kg, chưa kể tôm cá lặt vặt cũng tăng thêm thu nhập. Nhưng đó là chuyện của những năm trước, hơn một năm nay vẫn con ngòi này mà đánh rọ, thả lưới bát quái hầu như trống không.
Chúng tôi có mặt ở làng Hạ cùng ông Cần đi thu bát quái. Thu xong 2 dây ông Cần bơi thuyền vào bờ. Trong lưới lốc nhốc lũ cá đầu to da nhám đen sì và rất nhiều vây, ngạnh. Đó là cá dọn bể, hơn chục con trong một dây bát quái. Không rõ từ đâu nhưng hơn một năm nay trên con ngòi này toàn cá dọn bể. Chúng phá phách khiến các loại cá khác dạt đi hết. Nhiều và khỏe như cá rô phi cũng chả còn, cua giờ cũng ít đi. Lũ cá dọn bể mà ông Cần bắt được hằng ngày chỉ đem nấu cho lợn, chó ăn.
Theo các nhà nghiên cứu, cá dọn bể là loài ăn tạp. Nó không chỉ tranh thức ăn mà còn theo các loài cá khác hút nhớt. Có lẽ vì lý do này nên thời gian gần đây tại những con ngòi tự nhiên ở Tân Yên, các loài tôm cá thưa vắng dần. |
Chung cảnh ngộ là anh Trần Văn Quang ở thôn Yên Ngoài, xã Cao Xá, chuyên kéo te đánh tôm cá trên sông Nhâm Ngao. Tháng 7 vừa rồi khi tôi ngỏ ý xin vài con về xem thử, nửa giờ sau anh Quang chuyển cho một bao tải đầy cá dọn bể.
Đổ ra có con to bằng bắp chân, dài tới 70 cm. “Ngòi giờ nhiều loại này lắm, chỗ đó em đánh có một lúc thôi đấy”, anh Quang chia sẻ. Cũng chính vì nhiều loại cá này và tôm cá thì vắng dần nên mới đây anh Quang đã bỏ hẳn nghề chài lưới.
Còn với ông Nguyễn Công Luận, thôn Ngọc Sơn, xã Ngọc Thiện từng làm nghề tôm cá đã khá lâu cho biết: “Mấy năm nay cá dọn bể nhiều lắm, giờ mỗi buổi đi thu rọ, bát quái thường được từ 4- 5 kg cá này. Hôm nào mưa thì được hơn chục kg”. Ác nỗi loại cá này không có bao nhiêu thịt nên thường ông Luận bắt về cho người hàng xóm ủ ngâm lấy phân bón cây.
Nhưng có lẽ khổ nhất là khi thả lưới dính cá dọn bể, chỉ vài lần là hỏng tay lưới. Ngọc Thiện là một trong những xã có diện tích ao hồ lớn nhất ở huyện Tân Yên, người dân ở đây giỏi nghề nuôi cá. Một số gia đình có diện tích nuôi cá dù đã cẩn thận trong việc chọn lựa giống không để lẫn tạp, lại thường xuyên kiểm tra bờ nhưng không hiểu sao khi thu hoạch vẫn có một số con cá dọn bể lọt vào, có con gần 1kg.
Cá dọn bể hay còn gọi là cá lau kính có nguồn gốc từ Nam Mỹ du nhập vào Việt Nam với mục đích làm vệ sinh bể cá. Ở trong bể, loại cá này khá hiền lành và hầu như không thấy lớn, con dài nhất chỉ 30 cm. Tuy nhiên không rõ bằng con đường nào, từ bể cá cảnh, cá dọn bể thoát ra ngoài môi trường tự nhiên.
Cá dọn bể.
Trong môi trường này, nó sinh sản nhanh và tăng trưởng về kích cỡ, trọng lượng. Theo các nhà nghiên cứu, loại cá này ăn tạp. Nó không chỉ tranh thức ăn mà còn theo các loài cá khác hút nhớt. Có lẽ vì lý do này nên thời gian gần đây tại những con ngòi tự nhiên ở Tân Yên, các loài tôm cá thưa vắng dần.
Chúng tôi đi dọc con ngòi ở làng Hạ thấy hai bờ san sát hàng ngàn cái hang lớn nhỏ do cá dọn bể đào không rõ sâu bao nhiêu. Bên các miệng hố đầy nước này là vô số con cá dọn bể con nên cũng không lạ khi trong bát quái của ngư dân có đủ kích cỡ cá dọn bể.
Mùa mưa đến, nước sông Thương ngập lên các xứ đồng ven sông, nước từ các con ngòi tự nhiên đổ ra sông, không biết đã có bao nhiêu con cá loại này theo nước ùa ra sông. Chưa thực nghiệm kiểm tra nên cũng chưa rõ liệu chân đê hữu Thương, tả Thương giờ đã có bao nhiêu hang hốc do loại cá này đào để cư ngụ, sinh sản.
Cá dọn bể thích ứng rộng, sinh sản nhanh, không mấy người chế biến sử dụng nên chả ai buồn bắt, chính điều này vô tình khiến loài cá ngoại lai thêm cơ hội tồn tại và phát triển, dần lấn át cá bản địa. Ngư dân là người bị ảnh hưởng đầu tiên nhưng chắc chắn đó không phải là đối tượng cuối cùng. |