Cuộc bầu cử diễn ra trong hai ngày, 24 và 25.2 giữa các đối thủ thuộc 4 lực lượng chính trị bao gồm liên minh trung tả của nhà lãnh đạo Pier Luighi Bersani; liên minh trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi; đảng “Phong trào năm sao” đang lên của danh hài Beppe Grillo và liên minh trung dung của Thủ tướng Mario Monti.
Ông Pier Luighi Bersani- lãnh đạo đảng trung tả. |
Theo khảo sát bên ngoài các địa điểm bỏ phiếu của giới truyền thông ngày 25.2, liên minh trung tả của ông Pier Luighi Bersani đang dẫn đầu liên minh trung hữu của ông Sivio Berlusconi.
Ứng cử viên Bersani, 61 tuổi cũng đang được chờ đợi như là một người “cứu Italia” vượt qua khủng hoảng. Tranh cử với phong cách khác lạ, khác xa với những gì xa hoa và tai tiếng của cựu Thủ tướng Berlusconi, ông Bersani xuất hiện thường trực với điếu xì gà trên môi và một câu nói rất ngắn gọn: “Làm những gì Italia cần”, đã được người dân nước này kỳ vọng sẽ đưa Italia trở về quỹ đạo.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, ngay cả việc ông Bersani (từng là một giáo viên trước khi dấn thân vào chính trị) thắng cử, việc ông điều chỉnh và khôi phục sức mạnh của nền kinh tế đứng thứ tư thế giới cũng không dễ dàng như lời ông nói.
Trong khi người dân Italia tất bật với công việc bỏ phiếu, thì đó cũng là khoảng thời gian các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro và các thị trường tài chính "nín thở" theo dõi các cuộc bầu cử tại Italia.
Điều đó rất dễ hiểu bởi Italia là quốc gia đang phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng và kết quả của sự kiện này có thể tác động trực tiếp tới cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng tiền chung châu Âu (euro).
Giới phân tích nhận định, ông Pier Luigi Bersani có thể sẽ giành chiến thắng áp đảo tại Hạ viện, song sẽ không giành được kết quả tương tự tại Thượng viện. Bởi vậy tình huống nhiều khả năng xảy ra nhất là đảng trung tả và đảng trung dung của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Mario Monti sẽ thành lập một chính phủ liên minh.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng liên minh Bersani-Monti có thể có lợi nhất cho Italia nói riêng và toàn khu vực đồng euro nói chung.
Josef Janning, một chuyên gia châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, một viện nghiên cứu chiến lược có trụ sở tại Berlin cho rằng, các thị trường có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và suy thoái kinh tế Italia sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu họ không thành lập được một liên minh ủng hộ mạnh mẽ chính phủ sau cuộc bầu cử lần này.
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng nợ công 2011 đã đẩy Italia tiến sát bờ vực phá sản, buộc Thủ tướng khi đó là Berlusconi phải từ nhiệm và chính phủ kỹ trị của Thủ tướng Monti lên cầm quyền. Trong hơn một năm, Thủ tướng Monti đã vất vả chèo lái “con thuyền” kinh tế Italia, tuy nhiên kết quả không như mong đợi.
Chính vì lẽ đó, cuộc bầu cử lần này, không chỉ đơn thuần là một sự kế nhiệm mới ở Italia, mà còn được chờ đợi ở cả trên toàn châu Âu.
Chuyên gia Janning nhận định: "Một chính phủ do Bersani dẫn đầu sẽ củng cố các cải cách bằng việc nhấn mạnh vào các vấn đề xã hội. Hy vọng rằng nền kinh tế Italia có thể hồi phục phần nào". Tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến thận trọng cho rằng, cuộc bầu cử sẽ không đem lại nhiều biến chuyển nhanh chóng, và nền kinh tế Italia sẽ tiếp tục suy thoái.
Quang Minh