Chưa đồng bộ, còn chắp vá
Thời gian qua, Hà Nội đã tập trung chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn.
Theo ông Hà Tiến Nghi - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông, hiện giá trị sản xuất chăn nuôi, thủy sản của Hà Nội chiếm gần 53% GDP trong sản xuất nông nghiệp của thành phố. Trọng tâm là cung cấp con giống cho các tỉnh lân cận, phát triển theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi ngoài khu dân cư.
Công nhân đang làm việc tại trang trại gà đẻ trứng VietGAP ở Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
"Các huyện, thị xã của Thủ đô cần tạo điều kiện trong việc giao đất lâu dài để chủ trang trại, doanh nghiệp lập dự án thu hút vốn đầu tư phát triển chăn nuôi công nghệ cao và hỗ trợ người dân sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng bấp bênh và chứng minh được nguồn gốc sản phẩm". Ông Chu Phú Mỹ |
Đồng thời, xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất - cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo được chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và góp phần tăng lợi thế cạnh tranh của các mặt hàng tham gia chuỗi phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện nay.
Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội khẳng định, việc phát triển chăn nuôi theo xã, vùng trọng điểm của Hà Nội có nhiều thuận lợi do ngành được sự quan tâm chỉ đạo của Sở NNPTNT và sự vào cuộc của các cấp, ngành. Với dân số gần 10 triệu người, trong đó có hơn 2 triệu lao động ngoại tỉnh thường xuyên có mặt tại Hà Nội thì đây là thị trường tiêu thụ hàng hóa rất lớn, trong đó có các sản phẩm chăn nuôi.
Dù có nhiều thuận lợi và thế mạnh nhưng việc phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm của Thủ đô đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Theo ông Đặng Đình Tiên - Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ), chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm ở Hà Nội vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề. Lối chăn nuôi tự phát, không dự tính được đầu ra sản phẩm kéo theo nhiều hệ lụy.
Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho rằng, hiện công tác quy hoạch ở một số địa phương chưa đồng bộ, còn chắp vá, thiếu chiến lược quy hoạch theo giống vật nuôi và theo vùng sinh thái. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Một số trang trại ở vùng chăn nuôi tập trung chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo quy định, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường…
Cần đáp ứng 3 yêu cầu
Để giải quyết vấn đề này, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục quy hoạch các vùng chăn nuôi theo hướng tận dụng lợi thế của mỗi địa phương. Theo đó, thành phố tập trung phát triển sản xuất giống ở những vùng trọng điểm như: Ba Vì, Sơn Tây, Ứng Hòa, Chương Mỹ... đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hợp tác với các tỉnh, thành phố để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
Để tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi và thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành chăn nuôi Hà Nội phải đáp ứng được 3 yêu cầu: Khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, chú ý sinh kế cho người dân và bảo đảm môi trường. Bên cạnh đó, các trang trại cần chú trọng áp dụng khoa học công nghệ vào tất cả các khâu và có phương thức sản xuất bền vững trong cơ chế thị trường.