Dân Việt

Bí ẩn nghĩa địa "quan tài" cây khổng lồ ở Hưng Yên còn nguyên vẹn sau 2.000 năm

Triệu Quang – Hoàn Như 01/09/2019 15:58 GMT+7
Khi nghe tin người dân Động Xá (Hưng Yên) liên tiếp đào được mộ thân cây kỳ lạ, nhiều chuyên gia khảo cổ đã về vùng này tìm hiểu.

Giả thuyết về nghĩa địa mộ thân cây

Chúng tôi mang những điều kỳ lạ tìm hiểu được ở Động Xá (thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, Hưng Yên) đến gặp ông Bùi Đăng Quy – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hưng Yên. Ông Quy cho hay, những mộ thân cây phát hiện ở Động Xá được xác định có từ thời văn hóa Đông Sơn, cách đây khoảng 2.000-2.500 năm.

img

Ông Bùi Đăng Quy – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hưng Yên.

Mỗi lần nhận được tin báo của người dân về việc phát hiện mộ thân cây, Bảo tàng đều cử chuyên viên về tìm hiểu và ghi nhận. Số lượng mộ thân cây phát hiện đã đến hàng trăm chiếc tuy nhiên, đến hiện tại, phía Bảo tàng vẫn chưa nghiên cứu được cụ thể vì sao Động Xá lại tập hợp nhiều mộ thân cây đến như vậy.

Theo ông Quy, ở Hưng Yên, không chỉ ở Động Xá (huyện Kim Động) mà mộ thân cây còn tìm thấy ở nhiều nơi khác thuộc huyện Tiên Lữ. Ngoài ra, các tỉnh khác như Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên… cũng tìm được loại mộ tương tự như vậy nhưng chỉ ở diện rải rác. Chỉ có ở Động Xá, người ta mới phát hiện nhiều mộ thân cây đến vậy.

img

Chiếc quan tài bằng thân cây khổng lồ đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hưng Yên.

“Làng Động Xá trước kia là vùng trũng nhất của dải đất Hưng Yên. Khu vực này cũng là thấp nhất so với mực nước biển.

Giả thuyết được chúng tôi đưa ra là đây có thể là một khu nghĩa địa của người Việt cổ, cũng có thể, người được chôn ở nơi khác nhưng bị nước lũ cuốn về đây hoặc người Việt cổ xưa dùng hình thức chôn người là thủy táng, buộc dây thả dưới sông…”, ông Quy cho hay.

Những thân cây dùng để chôn người đều là gỗ nguyên khối, rất khổng lồ, nếu ước tính thời gian cũng phải có tuổi đời hàng trăm đến hàng ngàn năm. Trải qua hàng ngàn năm, nhiều thân cây vẫn còn khá nguyên vẹn chứng tỏ đó là loại gỗ tốt. Thế nhưng, đây là loại gỗ gì thì vẫn là bí ẩn đối với Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hưng Yên.

img

Trải qua hơn 2.000 năm, chiếc quan tài thân cây vẫn còn khá nguyên vẹn.

Ngoài ra, ông Quy cho rằng, việc làm ra một chiếc quan tài bằng thân cây khổng lồ như vậy, đòi hỏi quá trình rất công phu và tỉ mỉ. Từ việc lên rừng đốn gỗ mang về, đục đẽo làm sao để khi khớp 2 nửa thân cây với nhau vừa khít… phải là những người thợ rất khỏe mạnh và có kỹ thuật tinh xảo.

Hơn nữa, người được chôn trong thân cây khổng lồ có lẽ cũng phải là những người có chức quyền hoặc giàu có; còn dân thường, thường sẽ được chôn trong thuyền hoặc vỏ cây, thân tre, nứa đập dập…

Sau mộ thân cây, phát hiện trống đồng Đông Sơn

Chuyện người dân làng Động Xá liên tục đào được những mộ thân cây khiến giới khảo cổ chú ý. Thế nhưng, mỗi lần đào trúng mộ thì lại có vài chuyên gia về khảo sát rồi đi, để lại những dấu hỏi lớn trong suy nghĩ của người dân Động Xá.

img

Chiếc trống đồng Đông Sơn tìm được ở làng Đồng Xá thuộc hạng quý hiếm.

Đến một ngày, cả làng Động Xá bỗng ồn ào, người người kéo về đông như đi trảy hội. Chả là, trong một lần cải tạo sông Tính Linh, tổ phụ nữ của xã Lương Bằng đào trúng một chiếc trống đồng còn khá nguyên vẹn, hoa văn tuyệt đẹp.

Tổ phụ nữ báo cho xã, xã báo lên tỉnh. Chỉ một lúc sau, ô tô công an, các chuyên gia từ tỉnh kéo về Động Xá nườm nượp. Người dân hiếu kỳ cũng tụ tập đông đúc.

Sau khi khảo sát, chiếc trống đồng được đưa lên xe và mang đi. Mãi sau người dân Động Xá mới biết, họ đã đào được chiếc trống đồng từ thời Đông Sơn loại I rất quý hiếm. Hiện chiếc trống đồng này đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hưng Yên.

img

Những chiếc rùi đồng, vòng tay và vòng tai bằng đồng tìm được ở Động Xá.

Theo một chuyên viên của Bảo tàng tỉnh Hưng Yên, chiếc trống đồng này nặng khoảng hơn 10kg, hoa văn thuộc dạng tinh xảo và khá nguyên vẹn dù đã bị chôn vùi dưới đất qua hàng ngàn năm.

Trên mặt trống đồng có 4 con vật giống với họ Ếch nhái, tuy nhiên, vẫn chưa ai khẳng định được chúng là con gì. Người thì nói là ếch, người bảo là nhái, có người lại đoán là con chẫu chàng.

Thân trống đồng là hình tượng con trâu, biểu tượng của nền văn minh lúa nước thời Đông Sơn. Con trâu đi cày thể hiện cho nền văn minh lúa nước đã đạt đến trình độ cao về các kỹ thuật canh tác; trâu giao phối tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ…

“Trống đồng ngày xưa thường chỉ có trong những gia đình bề thế, có chức quyền vì thế nó tượng trưng cho quyền lực, đồng thời, đó cũng là một nhạc cụ dùng trong các lễ hội của người Việt cổ”, chuyên viên Bảo tàng tỉnh Hưng Yên chia sẻ.

img

 Mũi tên đồng còn khá nguyên vẹn và sắc bén minh chứng cho kỹ nghệ đúc đồng thời kỳ Đông Sơn đã đạt mức tinh xảo.

Ngoài trống đồng, người dân ở làng Động Xá cũng nhiều lần đào được những chiếc rìu đồng, mũi tên đồng, vòng tay, khuyên tai cũng đều bằng đồng... Điều đó minh chứng cho việc, kỹ nghệ đúc đồng thời kỳ văn hóa Đông Sơn đã đạt đến trình độ tinh xảo.

----------------------------------------

Những giả thuyết chưa thực sự khiến chúng tôi thỏa mãn trí tò mò về nghĩa địa mộ thân cây ở Động Xá. Chúng tôi đã tìm đến Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt – Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, một người nghiên cứu chuyên sâu và đã phục dựng thành công đời sống văn hóa thời kỳ Đông Sơn.

Mời quý độc giả đón đọc kỳ 3: Giải mã bí ẩn "quan tài" cây hơn 2.000 năm tuổi ở Hưng Yên vào lúc 15h ngày mai 2/9.

Kỳ lạ ngôi làng ở ven sông, cứ đào xuống đất là gặp ”quan tài” cây khổng lồ

Người dân đào ao, cải tạo sông… liên tục gặp phải những thân cây khổng lồ có chứa hài cốt bên trong.