Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Mới đây nhất là vụ cháy xảy ra tại khu sản xuất tại khu nhà xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Nhà máy Rạng Đông) tại phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.
Vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản cho công ty, bên cạnh đó vụ cháy còn lan sang nhà dân và gây thiệt hại về tài sản. Thực tế có nhiều vụ cháy khác cũng gây thiệt hại không nhỏ cho những người sống xung quanh.
Khoảng gần 18h30 ngày 28/8, tại khu nhà xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) đã xảy ra một vụ cháy lớn.
Sau những vụ việc này, dư luận đặt câu hỏi về việc nếu doanh nghiệp, nhà dân khi xảy ra cháy nhưng đám cháy lan sang nhà người khác gây thiệt hại, thì trách nhiệm đền bù thuộc về ai?
Trao đổi với PV Dân Việt, Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, trước tiên để xác định rõ các nhà bị cháy được bồi thường, ai là người bồi thường, trước hết cần phải xác định được nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc cháy là do đâu?
Xác định lỗi của người phạm tội là lỗi vô ý khi người phạm tội có hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, không mong muốn gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội hoặc không thấy được hậu quả đó do cẩu thả.
“Để xảy ra cháy, trước tiên, đó là trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ phương tiện giao thông cơ giới, đơn vị tư vấn dự án, giám sát thi công, đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng, cơ quan phê duyệt dự án, cơ quan cấp giấy phép xây dựng và cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng công trình (quy định tại Điều 16, 17 Nghị định 79/2014)” – luật sư Hòe cho biết.
Thứ hai, trách nhiệm thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại xảy ra với vụ việc.
Về nguyên tắc, người nào gây ra điểm cháy đầu tiên dẫn đến việc cháy lan ra diện rộng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo vị luật sư, việc xử phạt xi phạm hành chính về PCCC được quy định cụ thể tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013, tương ứng với mỗi hành vi sẽ có mức phạt khác nhau, được quy định tại Điều 28 nghị định này với mức xử phạt cao nhất lên tới 15.000.000 đồng ngoài ra.
Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định điều này, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, người gây ra vụ cháy sẽ đương nhiên bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi cơ quan điều tra xác định cụ thể quy định nào về phòng cháy chữa cháy và cơ quan điều tra phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của chủ cơ sở kinh doanh là nguyên nhân dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng đã xảy ra.
Người nào vi phạm Điều 313 Bộ luật hình sự về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
Trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 8 năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm. Trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Luật sư Hòe cũng nhấn mạnh, ngoài trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, cá nhân, đơn vị gây hậu quả còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với những thiệt hại về tài sản đối với những nhà lân cận bị cháy lan và các phương tiện bị thiêu rụi trong đám cháy.
Trường hợp nhà cháy, lan sang nhà lân cận khiến bị cháy theo, nếu chủ nhà, người quản lý, sử dụng căn nhà đó có lỗi cố ý hay vô ý, hoặc kể cả khi không lỗi (thí dụ: cháy do chập điện) đều phải bồi thường.
Về nguyên tắc, thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời, hai bên có thể thỏa thuận về mức, hình thức, phương thức bồi thường trừ khi pháp luật có quy định khác (Điều 605 BLDS).
Trong trường hợp họ không chịu bồi thường thiệt hại, thì thể làm đơn khởi kiện tại tòa án nơi xảy ra vụ cháy để yêu cầu bồi thường. Thời hiệu khởi kiện là hai năm (Điều 607 BLDS).
Trường hợp nhà xảy ra hỏa hoạn có tham gia bảo hiểm thì công ty bảo hiểm chỉ giải quyết đối với những tài sản trong phạm vi hợp đồng bảo hiểm nên không ảnh hưởng đến việc gia đình bạn yêu cầu bồi thường.
“Những vụ hỏa hoạn gần đây cũng dấy lên một hồi chuông cảnh báo đối với công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy, vẫn còn rất nhiều các cơ sở hoạt động kinh không đảm bảo an toàn do đó các cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát, kiểm tra và kiên quyết đình chỉ, xử phạt nghiêm khắc các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà hàng không tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Đối với người dân khi tham gia hoạt động trong những nơi công cộng có nguy cơ cháy nổ cao cần trang bị những kiến thức cơ bản về công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, thoát nạn trong đám cháy để bảo vệ cho chính sức khỏe và tính mạng của mình” – vị luật sư nêu quan điểm.