Thành công từ thay đổi cơ cấu cây trồng
Vốn là một xã nghèo, trước đây, phần lớn diện tích đất xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội đều là đất bỏ hoang, người dân xã Tráng Việt sống chủ yếu nhờ nghề nuôi tằm, trồng chuối và trồng mía. Tuy nhiên, thu nhập từ những nghề này không cao nên khi nhắc đến chuyện đồng áng, người dân xã Tráng Việt cũng không mấy mặn mà.
Mô hình trồng rau an toàn rộng hơn 25ha của gia đình anh Ngô Văn Cát (tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội). Ảnh: L.H
Mùa nào thức đó, các loại rau được trồng theo mùa vụ với đa dạng về chủng loại, trong đó được trồng nhiều nhất và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất phải kể đến củ cải trắng có xuất xứ từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Bên cạnh củ cải trắng, bà con nông dân còn trồng thêm nhiều loại rau màu khác như: Rau cải ngồng, cải chip, súp lơ, cà chua, bắp cải, su hào để đa dạng các loại rau củ cung ứng cho thị trường. |
Cách đây gần 15 năm, huyện Mê Linh có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chủ trương này đã có tác động lớn đến sự thay đổi của vùng đất này. Do chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần số vốn đầu tư khá lớn, thế nên ban đầu chỉ có một vài hộ gia đình xã Tráng Việt mạo hiểm triển khai chuyển đổi.
Tuy nhiên, chỉ sau vài năm, khi tận mắt chứng kiến những cánh đồng rau sinh trưởng và phát triển tốt nên các hộ dân thôn Đông Cao, xã Tráng Việt đã đồng loạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng với mong muốn vươn lên thoát nghèo.
Tính tới thời điểm hiện tại, tại thôn Đông Cao xã Tráng Việt có tới hơn 90% người dân phát triển kinh tế bằng nghề trồng rau an toàn.
Hiệu quả kinh tế lớn
Trao đổi với phóng viên về những đổi thay khi bắt đầu làm rau sạch, anh Ngô Văn Cát (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội) cho biết: “Tới thời điểm hiện tại, toàn bộ diện tích rau màu đã đưa lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Do hợp đất nên rau màu tươi tốt, phát triển rất nhanh và ít gặp sâu bệnh hại. Với diện tích trồng rau lớn, mỗi năm, gia đình mình thu về hàng trăm triệu đồng từ nghề trồng rau an toàn. Cùng đó, xác định củ cải là đặc sản của huyện Mê Linh nên mình tập trung phát triển.
Thông thường củ cải sẽ được trồng và thu hoạch từ khoảng tháng 8 cho tới tháng 2 âm lịch, củ cải được trồng ở vùng rau an toàn thôn Đông Cao có sự khác biệt so với củ cải các vùng khác là khi ăn có vị ngọt thanh, không bị đắng”. Chỉ tính riêng mùa thu hoạch củ cải, gia đình anh Cát thu được khoảng 2 tấn/sào, mỗi sào đưa lại hơn 10 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với cây chuối, cây mía trước đây.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm chi phí sức lao động trong phát triển kinh tế từ nông nghiệp, hộ gia đình anh Cát đã chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất. Để tiết kiệm chi phí thuê nhân công tưới nước cho rau mà vẫn đảm bảo được độ ẩm cần thiết, gia đình anh Cát đã đầu tư hệ thống tưới tự động.
Hiện tại, gia đình anh Cát đang có hàng chục ha rau màu các loại đưa lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Ngoài trồng rau an toàn, gia đình anh Cát còn tiến hành trồng xen các loại cây ăn quả như bưởi diễn, cam canh và chăn nuôi lợn để tận dụng diện tích đất còn trống.
Nói về định hướng phát triển khu rau an toàn trong thời gian tới, anh Ngô Văn Cát chia sẻ: “Trong thời gian tới, gia đình mình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau an toàn, đặc biệt đẩy mạnh về trồng củ cải, chăn nuôi và đa dạng các loại rau để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Song song với việc mở rộng diện tích trồng rau, mình cũng sẽ tiến hành quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất, xin giấy phép để triển khai mô hình rau sạch, nâng cao chất lượng đầu ra cho sản phẩm”.