Dân Việt

Sóc Sơn xây dựng nông thôn mới: Giàu mạnh và giữ bản sắc văn hóa

Hải Đăng 01/09/2019 05:00 GMT+7
Để xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Sóc Sơn đạt kết quả cao, bền vững và hài hòa, ông Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, bên cạnh việc phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện cần quan tâm việc bảo tồn văn hóa truyền thống...

Phấn đấu về đích đúng hẹn

Bà Vi Thị Bình Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, đến nay, huyện đã hoàn thành xây dựng NTM tại 20/25 xã, còn 5 xã là Minh Phú, Tân Minh, Xuân Thu, Kim Lũ, Bắc Sơn đã đạt và cơ bản đạt 15-18 tiêu chí. Đối với 20 xã đã đạt NTM vẫn tiếp tục thực hiện duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM; 5 xã phấn đấu hoàn thành NTM năm 2019 thực hiện duy trì, nâng cao 15-18 tiêu chí đạt và cơ bản đạt, đồng thời thực hiện hoàn thành các tiêu chí chưa đạt.

Huyện phấn đấu trong năm 2019 sẽ hoàn thành xây dựng NTM tại 100% số xã và về đích huyện NTM.

img

img

Trồng nấm áp dụng công nghệ cao mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện Sóc Sơn. Ảnh: H.Đ

"Sóc Sơn phải từng bước xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu kết hợp du lịch nông nghiệp sinh thái. Duy trì các tiêu chí, các xã đã đạt chuẩn NTM. Tập trung chỉ đạo 5 xã còn lại đạt chuẩn NTM để hết năm 2019, huyện Sóc Sơn đạt chuẩn NTM”.

Ông Nguyễn Văn Phong 

Về thực hiện chỉ tiêu 9 tiêu chí huyện NTM, hiện nay huyện vẫn triển khai duy trì, giữ vững 6 tiêu chí đã đạt, gồm: Quy hoạch; điện; y tế - văn hóa - giáo dục; sản xuất; an ninh - trật tự - xã hội; chỉ đạo xây dựng NTM.

Còn 3 tiêu chí huyện NTM đã cơ bản đạt gồm: Giao thông, thủy lợi và môi trường. Trong đó, tiêu chí số 2 về giao thông đã tổ chức thực hiện rà soát toàn bộ các tuyến đường giao thông, cầu cống huyện quản lý, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành tiêu chí.

Bà Anh cho biết thêm, về thủy lợi, Phòng Kinh tế phối hợp Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi Sóc Sơn đã đánh giá thực trạng, xây dựng kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện hoàn thành tiêu chí thủy lợi. Theo đó, huyện Sóc Sơn kiến nghị với UBND thành phố, Sở NNPTNT về thực hiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi phục vụ xây dựng NTM tại 7 xã trên địa bàn.

“Đối với tiêu chí môi trường, huyện đã hướng dẫn UBND các xã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn lập hồ sơ pháp lý về kế hoạch bảo vệ môi trường. Hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc, tiến độ hồ sơ thực hiện đánh giá hoàn thành tiêu chí môi trường với 5 xã phấn đấu đạt chuẩn 2019” - bà Anh khẳng định.

Cũng theo bà Anh, về phát triển nông nghiệp, huyện đang đẩy mạnh các diện tích lúa gieo trồng giống chất lượng cao (7.305ha). Trong đó diện tích vùng sản xuất lúa chất lượng tập trung theo hướng hàng hóa là 2.678ha, diện tích lúa Khang dân còn 23,94%; diện tích cây màu 1.070,4ha. Năng suất lúa vụ xuân ước đạt 53,5 tạ/ha...

Giữ gìn bản sắc văn hóa

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân” tại huyện Sóc Sơn, tổ chức mới đây, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng: “Huyện Sóc Sơn đã chọn khâu khó nhất trong xây dựng NTM là dồn điền, đổi thửa để làm trước và đã đi đầu thành phố trong công tác này. Nhờ đó đến nay, Sóc Sơn đã đạt nhiều kết quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung, chất lượng cao. Đến nay, huyện đã xây dựng được 7 thương hiệu nông sản, hình thành 9 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản..., đây thực sự là kết quả rất tốt".

Về thực hiện các mục tiêu đề ra trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Phong lưu ý, huyện Sóc Sơn cần tập trung xây dựng để có nhiều hơn các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Sau dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại sản xuất, huyện cần tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

“Bản chất của xây dựng NTM không chỉ dừng lại ở thu nhập của người dân cao, hạ tầng khang trang mà phải bảo tồn được nếp văn hóa truyền thống của vùng nông thôn cổ, là bản sắc văn hóa vùng miền... Do vậy, huyện Sóc Sơn cần quan tâm xây dựng NTM gắn với bảo tồn các nét văn hóa truyền thống” - ông Phong nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phong, trong thời gian tới, huyện Sóc Sơn cần tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu hữu cơ chất lượng cao để đến năm 2020 đạt 50 - 70ha (chủ yếu tại các xã vùng đồi gò và một số xã có điều kiện sản xuất cây dược liệu) nhằm bảo tồn gen và tạo sản phẩm xuất khẩu, đồng thời là điểm tham quan học tập phát triển nông nghiệp hữu cơ - sinh thái bền vững.