Một mình vượt cạn sinh đôi
Ngôi nhà vợ chồng Mùa A Dơ – Thào Thị Trà được dựng bằng gỗ Pơ Mu nằm ở lưng đồi ngay đầu bản Háng Đồng. A Dơ - chủ nhà hôm nay bận việc cúng ma nhưng vẫn tranh thủ tiếp chuyện tôi, Dơ nói nhát ngừng về cái sự đổi thay ngày một ở Háng Đồng: “ Ở đây, nhà ai cũng nhiều ruộng, người có gạo đủ ăn quanh năm không đói, còn ngô chỉ trồng để chăn nuôi lợn gà thôi. Ngày xưa nuôi ngựa, giờ ngựa đổi lấy xe máy rồi”.
Đồ dùng trong nhà Dơ không có chỉ cả, hai khu ghép gỗ vào thành gường để ngủ, bếp đặt ngay trong nhà nền nhà bằng đất. Cuộc sống như hôm nay của nhà Dơ được cho là bình bình so với mọi người trong bản Háng Đồng này. Cứ nghĩ kinh tế khấm khả hơn thì nhiều thói quen, tập tục cũ cũng thay đổi. Thế nhưng, ở Háng Đồng vẫn có những chuyện “xưa như… Trái đất”, ví như chuyện phụ nữ sinh nở, dựng vợ gả chồng…
Chị Thào Thị Trà và 2 đứa con tự đẻ sinh đôi của mình. (ảnh: Gia Tưởng)
Chị Thào Thị Trà - vợ Dơ sinh năm 1995 đã có 3 đứa con, trong số đó có 1 cặp sinh đôi còn bé lít nhít. Điều đáng nói là cả 3 đứa trẻ đều được mẹ tự cắt rốn ở nhà khi chào đời. Do Trà không biết nói tiếng phổ thông nên Dơ phải làm người “phiên dịch” bất đắc dĩ: “Mình đẻ 2 đứa một lần, ít sữa quá không đủ cho chúng nó bú, nên mới bé thế này thôi. Khi chuyển dạ sinh con, vì đây là lần thứ 2 đẻ rồi nên không sợ gì cả. Con bé Mùa Thị Càng ra trước, mình tự cắt rốn rồi lấy khăn quấn nó lại. Được một lúc lại thấy bụng đau, lại muốn đẻ nữa. Thế là con bé Mùa Ngọc Nhỉ ra sau, lại tự cắt rốn. Mình phải tìm mãi mới được khăn quấn vào vì nghĩ chỉ đẻ một đứa con thôi nên không có sự chuẩn bị. Xong xuôi mình tự làm vệ sinh cá nhân, bế 2 tay 2 đứa để cho bú, lúc đó mới thấy chồng về”.
Nghe Trà nói chuyện về cuộc vượt cạn của mình cứ như không mà tôi rùng cả mình. Nhưng Dơ thì chỉ cười: “Người Mông mình quen rồi, ai cũng thế hết mà ở bản mình vẫn tự đẻ tự nuôi và trẻ con cũng vẫn cứ tự lớn lên như thế”.
Không những thế, ở Háng Đồng vẫn còn những trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số tồn tại và ăn sâu trong nhận thức của người dân từ nhiều đời nay, ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ trong đời sống, sinh hoạt. Trong khi đó, các chế tài xử phạt vi phạm trong hôn nhân chưa đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe.
Trao đổi với chúng tôi về khó khăn trong công tác tuyên truyền, ông Hờ A Mang - Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Hiện nay, xã đã tuyên truyền thông qua hình thức tuyên truyền miệng, chiếu phim ảnh, phát tờ rơi... Tuy nhiên, một số bản chưa có điện lưới nên việc tuyên truyền qua hình ảnh trên phim, clip về tác hại tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gặp khó khăn”.
Bữa cơm đạm bạc của những đứa trẻ tại Háng Đồng.(ảnh: Gia Tưởng)
Cũng theo ông Hờ A Mang, đa số người dân do không biết chữ, không biết tiếng phổ thông nên hạn chế trong tiếp cận các thông tin tuyên truyền. Vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết đang được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm, hạn chế mức thấp nhất nhưng đây vẫn là bài toán khó đối với địa phương.
Nhưng ông mang hi vọng, hiện tại có đường đi về bản dễ dàng rồi nên vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết sẽ được hạn chế, vì có cái đường đi dễ bà con cũng tích cực đi tìm hiểu nhau hơn.
Mở đường, Háng Đồng… sang trang
Trước đây, gần 20km đường từ bản Háng Đồng ra tới xa chỉ có thể đi bộ, muốn mua muối ăn cũng phải mất 3 ngày mới về được đến nhà. Nhưng 6 tháng nay, tính từ khi đường mới được mở, những chiếc xe máy đầu tiên đã bắt đầu bon bon về bản.
Có đường mới, Háng Đồng bắt đầu bước vào cuộc “thay da, đổi thịt”. Nói về sự đổi thay của Háng Đồng, có lẽ Mùa A Su (sinh năm 1982) là một trong những điển hình. A Su hiện là “ông chủ” của một chiếc máy xúc thuộc loại “oách” nhất xã.
A Su kể: “Mình được đi nhiều nơi, thấy người ta làm kinh tế trang trại, mình thích lắm. Nhưng về đến bản, thuê hàng trăm người đào đắp, làm ruộng cho mình nhưng không ăn thua vì chậm quá. Trong một lần được xã cho đi học tập kinh nghiệm ở Sa Pa, mình được nhìn thấy cái máy xúc nó vạt đồi bằng phẳng mà lại nhanh nữa. Thế là mình về bàn với gia đình phải mua cái máy xúc để làm việc”.
Từ khi có đường xe máy về tới bản, Háng Đồng thay đổi rất nhanh, mọi thứ đều tiến bộ văn minh hơn rất nhiều, trong bản có những ngôi nhà mới xây, rất đẹp hợp vệ sinh và sạch sẽ, một vài điểm trong bản đã rò được sóng điện thoại nên ngay cả khâu chỉ đạo của xã tới bản cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều”. Ông Hờ A Mang |
A Su bán liền một lúc gần 20 con trâu, bò, rồi vay thêm anh em 150 triệu đồng rủ mấy người thân cùng xuống Thanh Sơn, Phú Thọ mua máy xúc. Nhưng đến Thanh Sơn thì người ta bảo phải đi tận Hải Dương, thế là lại bắt xe ôtô đi xuống bến Mỹ Đình (Hà Nội), rồi thuê tiếp taxi đi Hải Dương. “Lúc tới nơi, người bán máy còn không tin mấy ông dân tộc như mình lại có tiền mua máy xúc. Họ hỏi mình có biết lái không? Mình nhìn cái máy ưng quá. Họ đòi 570 triệu đồng, thế là mình trả tiền luôn rồi thuê xe ôtô chở máy về bản”- A Su kể.
Từ khi có máy xúc, A Su làm được nhiều việc lắm. Trong khu trang trại của mình, anh đã làm được ruộng lúa nước bằng phẳng, đào được ao rộng thả cá. Nhưng quan trọng nhất là A Su đưa máy đi múc thuê khắp nơi trong xã. Chẳng mấy khi hết việc. Phương thức thanh toán của A Su cũng đa dạng lắm. Đến nhà nào múc không có tiền trả bảo trả bằng lúa, A Su cũng nhận, trả bằng trâu, bò A Su cũng làm luôn nên ai cũng thích thuê máy của A Su.
Khoe về cái máy múc của mình, A Su cho biết: “Sau hơn 2 năm hoạt động rất may là máy của Su rất ít hỏng hóc, mà có hỏng thì cũng tự sửa được nên Su đã trả hết nợ khoản vay 150 triệu đồng mượn của anh em rồi. Giờ đi làm có tiền Su vừa chăn nuôi, vừa mua bán thêm trâu bò nên khu trang trại của Su đã có khoảng 30 con gia súc các loại, quy mô lớn nhất nhì trong xã Háng Đồng”.
Trên đường đưa chúng tôi từ bản về xã, Phó Chủ tịch xã Hờ A Mang chia sẻ: “Bây giờ đồng bào ở đây không còn đói nữa, họ bắt đầu biết làm giàu từ việc trồng thảo quả, vì ở đây họ còn rừng, cây thảo quả chỉ sống và sinh trưởng tốt ở dưới tán rừng. Với giá thảo quả tươi độ 25.000 đồng/kg, nhiều nhà có mức thu hàng chục triệu đồng mỗi mùa”.
“Từ khi có đường xe máy về tới bản, Háng Đồng thay đổi rất nhanh, mọi thứ đều tiến bộ văn minh hơn rất nhiều, trong bản có những ngôi nhà mới xây, rất đẹp hợp vệ sinh và sạch sẽ, một vài điểm trong bản đã rà được sóng điện thoại nên ngay cả khâu chỉ đạo của xã tới bản cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều. Trước kia, cán bộ xã công tác cả tuần trong bản là chuyện bình thường, nhưng giờ đi xe máy được nên sáng vào chiều về rất dễ dàng và tiện lợi”- ông Hờ A Mang phấn khởi nói.