Thu tiền tỷ từ con cá tra
Sau nhiều lần hẹn, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN mới gặp được ông Đậu. Theo chân ông, phóng viên được tham quan khu nuôi cá tra rộng đến 12 ha. Khu vực này, được thiết kế bày bản với nhiều ao nuôi, khu vực thoát và trữ nước, nhà để thức ăn cho cá, cùng với đó là hàng chục lao động phụ giúp.
Ông Đậu với mô hình nuôi cá tra của mình
“Khu vực nuôi cá tra này rộng nhất ở địa phương, tôi đã mất hàng chục năm để xây dựng nên. Nó giúp tôi thu hoạch trên 2.000 tấn cá thương phẩm/năm, đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 18 lao động địa phương với mức lương hơn 5 triệu đồng/người/tháng, cùng với hàng trăm lao động thời vụ trong mỗi năm” – ông Đậu nói.
Ông Đậu nuôi cá tra không sợ thua lỗ vì chi phí nuôi đạt đến mức thấp nhất. Cụ thể, ông mua thức ăn cho cá trực tiếp từ doanh nghiệp như một đại lý cấp 1với số lượng từ 5.000 - 6.000 tấn/năm. Doanh nghiệp bán thức ăn này cũng là đơn vị thu mua cá khi đến lúc thu hoạch.
Những hộ dân cùng địa phương có nhu cầu mua thức ăn, ông Đậu cũng “chia lại” với số lượng từ 500- 700 tấn/năm. Để tránh hao hụt trong quá trình nuôi và ít tốn kém chi phí, ông nông dân này cũng tự mình sản xuất cá giống.
Ông Đậu nói: “Do chi phí sản xuất thấp nên nhiều năm qua, mặc dù giá các bán ra bấp bênh, tôi vẫn duy trì được, có năm thu lợi tới vài tỷ đồng. Do tôi làm ăn uy tín nên doanh nghiệp rất tin tưởng, các ngân hàng cũng ưu tiên hỗ trợ vốn nếu cần”.
Theo ông Đậu, cuộc sống của vợ chồng ông đã có dư và xây dựng căn nhà khang trang. Để có được kinh tế ổn định như ngày hôm nay, ông phải trải qua nhiều khó khăn vất vả.
Mô hình nuôi cá tra thu tiền tỷ mỗi năm của ông Đậu
Trước đây, ông xuất thân trong một gia đình nghèo, sống bằng nghề làm thuê làm mướn. Sau khi lập gia đình ở Cà Mau, vợ chồng ông trở về ấp Phú Thượng sinh sống và chịu khó tích góp từng chút để mua đất, nuôi cá. Từ vài công (1.000m2), vợ chồng ông dần mở rộng diện tích nuôi đến nay. Ngoài nuôi cá, từ năm 2011, ông còn gom tiền mua 4ha đất ruộng trồng lúa, đến năm 2017 mua thêm 5ha nữa.
Mặc dù là nông dân sản xuất giỏi nhưng ông Đậu vẫn “không cảm thấy thoả mãn” với kiến thức mà mình đã tích góp được qua kinh nghiệm sản xuất hàng chục năm qua. Ngược lại, ông Đậu thường xuyên học hỏi, đi trao đổi kinh nghiệm nuôi cá ở nhiều địa phương, thường xuyên theo dõi thông tin trên báo đài về những kinh nghiệm, cách làm, công nghệ mới để dần áp dụng, cải tiến trên ao nuôi của mình.
Tiền kiếm được dùng để làm từ thiện
Ông Đậu không chỉ thành công trong mô hình sản xuất nông nghiệp mà ông còn là tấm gương vì cộng đồng, hoạt động xã hội từ thiện từ hàng chục năm nay để giúp đở bà con những lúc khó khăn.
Năm 2009, khi kinh tế gia đình bắt đầu ổn định, ông cùng 2 người anh của mình góp tiền mua chiếc xe chuyển bệnh miễn phí cho xã Phú Thành. Đến năm 2017, cá nhân ông tiếp tục tích lũy mua thêm chiếc xe chuyển bệnh mới. Khi mà cả hai xe chuyển bệnh miễn phí đều bận, ông Tám Đậu sẵn lòng dùng xe ô tô 7 chỗ ngồi của gia đình mình để giúp chuyển bệnh miễn phí cho người dân.
“Tôi nhận thấy bà con trong xã mỗi khi ốm đau, bệnh tật không có xe cấp cứu chuyên dụng để đưa đi bệnh viện. Có trường hợp nhà xa quá, khi đưa được bệnh nhân tới bệnh viện đã quá muộn. Vì vậy, tôi đã tính tới chuyện mua xe cứu thương chở bà con. Hiện nay, ngoài thời gian nuôi cá, tôi toàn dành thời gian để chở bà con đến bệnh viện” – ông Đậu kể.
Ông Đậu mua xe làm từ thiện
Theo phóng viên tìm hiểu thì được biết, gia đình Đậu cho thuê hết 9 ha đất ruộng với số tiền khoảng 300 triệu đồng/năm. Toàn bộ số tiền cho thuê này, gia đình ông dành riêng cho việc thực hiện công tác từ thiện.
Mới đây, ông Đậu còn bỏ ra 890 triệu đồng để UBND xã Phú Thành xây cây cầu nông thôn (dài 44m, rộng 5m). Cây cầu này là cây cầu huyết mạch của xã, giúp người dân giao thương hàng hoá liên xã được thuận tiện. Cạnh cây cầu trên, ông còn hỗ trợ thêm kiến 60 triệu đồng để xây dựng tuyên đường nhựa, nối từ vị trí cây cầu trên ra con đường lớn gần đó.
Ông Đậu cũng vừa hiến hơn 1.000m2 đất và 500 triệu đồng để nâng cấp hoàn chỉnh nghĩa trang của địa phương, góp phần cùng với xã hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Đậu cho biết, trải qua nhiều khó khăn, hơn ai hết ông rất thấm thía nỗi cơ cực của cảnh nghèo, phải tha phương kiếm sống, ông cũng từng được nhiều người giúp đỡ. Chính vì lẽ đó, ông luôn tâm nguyện là làm những việc thiết thực để giúp đỡ bà con trong lúc khó khăn. Hai vợ chồng sống với nhau mấy chục năm rồi nên vợ ông cũng hiểu tâm niệm của chồng. Hơn nữa, thông qua việc làm của mình, các con noi gương theo cha mẹ, luôn sống hướng thiện, giúp đỡ mọi người xung quanh.
“Xuất thân nghèo khó, không tài sản, không đất đai nên ông tôi rất thấm thía nỗi cơ cực của cảnh nghèo. Chính vì vậy mà tôi luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn. Gắn bó với công tác từ thiện xã hội hơn 20 năm, đôi lúc mệt nhưng rất vui vì được bà con quý mến, gia đình hạnh phúc” – ông Đậu chia sẻ.
Bà Trần Thị Nguyệt - vợ ông Đậu thì cho biết: “Suốt đời chồng tôi có 3 nguyện vọng là làm việc có tiền để giúp người nghèo, mua xe chuyển bệnh miễn phí và làm nghĩa trang cho người nghèo, để khi nằm xuống những người nghèo có chỗ yên nghỉ. Hiện tôi chỉ mong cho chông tôi có sức khỏe để tiếp tục làm việc và giúp đỡ người nghèo”.
Với những đóng góp cho cộng đồng, ông Ngô Văn Đậu đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và nhiều Bằng khen của tỉnh An Giang về thành tích sản xuất - kinh doanh giỏi, học tập và làm theo gương Bác Hồ. Ông Ngô Văn Đậu cũng là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được bình chọn và trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019". Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 10.2019. |