Dân Việt

Hòa Bình: "Rót" vốn Hội xuống ao nuôi cá quý hiếm, bán đắt tiền

Hà Hoàng 04/09/2019 14:55 GMT+7
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá dầm xanh-loài cá quý hiếm từng được dùng để tiến vua của gia đình bà Khà Thị Sàng, xóm Nghẹ, xã Vạn Mai, huyện Mai Châu (Hòa Bình). Bà Sàng chia sẻ: "Đàn cá dầm xanh tôi nuôi là do được vay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Quỹ đã giúp gia đình tôi có điều kiện đào ao thả loài cá quý hiếm này...".

Vay vốn Hội nuôi cá đặc sản "tiến vua"

Bà Sàng nuôi cá dầm xanh từ 2014, khi đến mùa thu hoạch cá, các thương lái và nhiều nhà hàng ở ngoài huyện đều đến tận ao thu mua, nên cá của gia đình bà lúc nào cũng bán được giá cao.

So với các loại cá nuôi bằng cám công nghiệp, thì cá dầm xanh có ưu điểm hơn ở chỗ: Thịt săn chắc, thơm ngon, bảo đảm sạch. Hiện tôi bán cá dầm xanh tại ao với giá 250.000 đồng/kg, bình quân mỗi năm cho thu nhập hơn 80 triệu đồng. Hiện cuộc sống của gia đình bà Sàng đã có 1 cơ ngơi khá giả.

img

 Nhờ được vay 20 triệu đồng từ QHTND, bà Khà Thị Sàng, xóm Nghẹ (xã Vạn Mai, huyện Mai Châu) đã có thêm vốn nuôi cá Dầm Xanh. Đến nay cuộc sống của gia đình bà đã có nguồn thu nhập ổn định.

Không riêng gì gia đình bà Khà Thị Sàng, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân trong những năm qua đã giúp hàng ngàn lượt hộ hội viên, nông dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, mở mang ngành nghề dịch vụ ở nông thôn trên địa bàn. Nguồn vốn Quỹ HTND giúp các hộ vay liên kết với nhau, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; góp phần hình thành các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn...

Được biết trong thời gian qua Ban Thường vụ Hội nông dân tỉnh Hòa Bình đã lập kế hoạch, thực hiện kiểm tra, giám sát nguồn vốn QHTND và chương trình cho vay theo hình thức ủy thác với Ngân hàng CSXH. Định hướng, chỉ đạo thành lập các tổ, nhóm nông dân, lựa chọn đầu tư những mô hình bảo đảm an toàn vốn cho vay theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm và có khả năng nhân rộng mô hình.

img

 Nhiều hội viên nông dân đã vay Qũy hội phát triển các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tiếp tục xây dựng, tăng trưởng nguồn Quỹ

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Cẩm Phương, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Hòa Bình, cho biết: Chúng tôi xây dựng kế hoạch vận động, phối hợp với các ngành liên quan để bổ sung Qũy HTND từ nguồn ngân sách địa phương, triển khai đến các cơ sở Hội vận động cán bộ, hội viên tham gia đóng góp.

Đến hết tháng 8/2019, tổng số nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội quản lý đạt 31,534 tỷ đồng. Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đã thực hiện giải ngân vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho nhiều dự án phát triển sản xuất, gồm: Chăn nuôi gà xã Yên Lạc, nuôi trâu vỗ béo xã Hữu Lợi (Yên Thủy); chăm sóc cam xã Kim Sơn, chăm sóc bưởi xã Bắc Sơn (Kim Bôi); nuôi trâu sinh sản xã Yên Lập (Cao Phong); nuôi cá lồng xã Phúc Sạn (Mai Châu); nuôi bò xã Quý Hòa (Lạc Sơn)...

img

Bà Nguyễn Thị Cẩm Phương (ngoài cùng bên phải), Chủ tịch Hội ND tỉnh Hòa Bình tham quan các mô hình kinh tế của các hội viên.

Qũy Hỗ trợ Hội nông dân được cho vay theo phương án sản xuất - kinh doanh nhóm hộ ở cơ sở, mỗi chu kỳ cho vay 2 - 3 năm tùy vào mô hình, dự án sản xuất và chu kỳ khai thác, thu hoạch sản phẩm. Qua nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, hàng năm, Hội Nông dân các cấp tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình, thúc đẩy sản xuất, phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực theo định hướng của tỉnh.

Bên cạnh nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình còn phối hợp với các ngân hàng như Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN PTNT nhận ủy thác, tín chấp với tổng dư nợ tại các ngân hàng hiện nay đạt 3.111,558 tỷ đồng.

img

 Hiện nay, nhiều mô hình sử dụng Quỹ HTND trồng cam của hội viên nông dân ở huyện Cao Phong có thu nhập đến hàng trăm triệu đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Phương, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình: Các dự án vay vốn Qũy HTND đã thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra, các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích. Nhiều mô hình được đánh giá cao mang lại hiệu quả kinh tế, là mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho nhiều dự án khác được vay vốn phát triển sản xuất.

Bên cạnh việc cho vay phát triển sản xuất, Ban Điều hành Quỹ HTND còn chú trọng tư vấn, hướng dẫn hội viên, nông dân sử dụng vốn vay có hiệu quả; thực hiện đúng các quy định quản lý quỹ, thu hồi nợ đến hạn… nhằm bảo toàn và không ngừng tăng trưởng nguồn Quỹ, góp phần giúp hội viên, nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Việc quản lý thực hiện dự án đã góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp trong việc quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ giao.

img

 Từ vốn vay của QHTND, anh Bùi Văn Hùng, xã Sơn Thủy, huyện Kim Bôi đã phát triển mô hình nuôi ngan và trồng cây ăn quả.

Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình sẽ chỉ đạo, lãnh đạo Hội Nông dân các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hoạt động, đáp ứng những yêu cầu mới từ thực tiễn đặt ra. Hội chú trọng nâng cao nhận thức, trình độ sản xuất, quản lý, kinh doanh và ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, nông dân.

"Hội sẽ triển khai các giải pháp vận động, tuyên truyền nhằm tiếp tục xây dựng và củng cố niềm tin của nông dân đối với tổ chức Hội nói chung cũng như Quỹ Hỗ trợ nông dân nói riêng. Việc xây dựng, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn Quỹ HTND không chỉ giúp nông dân thấy rõ quyền lợi khi tham gia tổ chức Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh mà còn qua đó góp phần giúp Hội Nông dân các cấp trong tỉnh chủ động hơn trong việc tham gia phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn...”, bà Nguyễn Thị Cẩm Phương, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình khẳng định.

Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân (QHTND) tỉnh Hòa Bình đã giúp hàng nghìn lượt hội viên nông dân được vay vốn đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống gia đình, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương.