Bà Phan Thị Bính chia sẻ lại những câu chuyện khiến bà không thể quên trong quá trình làm trưởng thiện nguyện trên nhóm xe cứu thương miễn phí.
Người trút hơi thở sau khi rời thành phố
Sau nhiều cuộc điện thoại hẹn gặp, chúng tôi mới có dịp đến nhà và trò chuyện với bà Phan Thị Bính (SN 1956, trú quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) khi người phụ nữ đã ngoài 60 vừa hoàn thành một chuyến từ thiện từ Lai Châu trở về. Bà Bính cho hay, sau hơn 8 tháng hoạt động, xe cứu thương đã nhận chở trên 200 trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn về đến nhà. Trong đó, có những người đã gắng gượng để nhắm mắt xuôi tay trong mái ấm nhưng cũng có những người trút hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình trên xe.
“Quãng thời gian đầu, khi ông Mai Văn Toàn (SN 1964, quê An Giang) là tài xế chính, chúng tôi gặp một trường hợp bệnh nhân lớn tuổi từ Khoa huyết học Bệnh viện Bạch Mai nhờ giúp đỡ di chuyển về Cao Bằng. Trong khi ông Toàn thì đã lớn tuổi, không quen thuộc đường xá khu vực miền Bắc, chưa kể trong miền Tây quê ông thì không có đồi núi nên ông Toàn không có chút kinh nghiệm gì về việc lái xe về các tỉnh vùng cao”, bà Bính nhớ lại.
Bà Phan Thị Bính, Trưởng nhóm thiện nguyện xe cứu thương miễn phí.
Bà Bính đã rất đắn đo, thậm chí còn muốn từ chối nhưng khi nhận cuộc gọi thứ hai của con trai bệnh nhân, bà đã quyết định tìm mọi cách hỗ trợ bệnh nhân về đến nhà.
“Nội dung cuộc điện thoại ấy đến giờ tôi vẫn nhớ như in trong đầu. Cậu ấy vừa gọi cho tôi vừa khóc: Cô ơi cô cố giúp gia đình cháu, làm ơn làm phước đưa bố cháu về với. Tình trạng của bố cháu xấu lắm rồi mà nhà cháu chỉ còn có ít tiền để lo hậu sự cho bố cháu thôi.
Nước mắt đàn ông rất khó rơi, thế mà lúc cậu ấy gọi cho tôi đã khóc như một đứa trẻ. May mắn làm sao, dù thời điểm đó đã cận kề Tết Nguyên đán nhưng vẫn tìm được một cậu quê ở Điện Biên, hành nghề lái xe. Khi nghe đến việc nhóm chúng tôi làm từ thiện không thu phí, cậu ấy đã đồng ý lái xe đưa bệnh nhân về đến nhà mà chẳng cần một cắc tiền công”, bà Bính kể lại.
Tìm được lái xe, nhóm thiện nguyện điều khiển chiếc xe cứu thương ngay lập tức di chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai để đón người. Đáng tiếc, người bệnh đã không thể gắng gượng trong suốt chuyến đi dài và đã trút hơi thở cuối cùng khi chiếc xe cứu thương vừa đi ra khỏi địa phận TP.Hà Nội.
“Lúc tôi vào đón bệnh nhân, ông ấy đã rất yếu, bệnh viện đã tiên lượng xấu lắm rồi. Khi chúng tôi hỗ trợ người nhà đưa bệnh nhân lên cáng, người bệnh cố ngẩng đầu lên muốn nói gì đó, ánh mắt của ông ấy khiến tôi không thể nào quên được. Thật khó để miêu tả được ánh mắt ấy, ánh mắt tràn đầy cảm xúc, rung động tâm can tôi. Có lẽ lúc ấy người bệnh muốn nói lời cảm ơn nhưng đã không thể”, bà Bính thở dài.
Chuyến xe hôm ấy kéo dài hơn 7 tiếng đồng hồ, quãng đường trên 500km trong đó gần một nửa là đường đồi núi, sương mù bao phủ cùng tiếng khóc của người nhà bệnh nhân như bóp nghẹt trái tim của bà Bính cùng các thành viên nhóm thiện nguyện.
Chiếc cáng nơi nghỉ ngơi trong suốt chuyến xe về nhà của nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Chuyến xe về nhà ngày giáp Tết
Cũng trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, bà Phan Thị Bính nhắc tới một trường hợp là một cô gái trẻ, mới 19 tuổi đã phải bỏ dở ước mơ, hoài bão cùng bao dự định tương lai vì căn bệnh ung thư xương.
“Cháu gái này quê ở Thanh Hóa, thời điểm liên hệ với chúng tôi, cháu đang được điều trị tại Bệnh viện 108. Hôm đó đã là 28 Tết Nguyên đán rồi, cháu được Bệnh viện cho phép về ăn Tết cùng gia đình. Khi đưa cháu về đến nhà thì thật sự tôi không thể kìm được nước mắt vì hoàn cảnh con bé khó khăn quá”, bà Bính chia sẻ.
Ngày 28 Tết, khi chỉ còn khoảng 2 ngày nữa là khoảnh khắc giao thừa đón năm mới đến, thế nhưng cô gái trẻ với căn bệnh quái ác trong người chỉ mong một điều ước giản đơn: Về nhà.
Chiếc xe cứu thương miễn phí vẫn chạy 24/24 mỗi ngày khi có người cần giúp đỡ.
Bà Bính phải gọi đến cuộc điện thoại với thành viên thứ 7 trong tổ lái xe mới có người nhận chở. Chuyến xe bắt đầu từ 8h sáng nhưng do đường nội thành chật cứng, dòng xe nườm nượp rời thành phố khiến chuyến đi kéo dài hơn 7 tiếng đồng hồ mới về đến nhà bệnh nhân.
“Căn nhà cháu gái này ở chỉ là một căn nhà cấp 4 trong khi mẹ cháu bị bệnh về thần kinh, bố cháu bị ung thư gan giai đoạn cuối, tình trạng cũng rất yếu, nói năng không được bình thường. Để có thể tiếp, trò chuyện với chúng tôi, gia đình đã phải nhờ một người chú, em ruột của bố cháu đứng lên đại diện.
Không khí lúc đó quá trầm lắng, chỉ có tiếng khóc của người chú, tôi và lái xe cũng không thể ngăn được giọt nước mắt rơi. Thế mới thấy cuộc sống muôn hình vạn trạng, những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình sao mà nhiều thế”, bà Bính xúc động.
Sau khi về nhà ăn Tết cùng gia đình, nữ bệnh nhân này sẽ quay trở lại Bệnh viện 108 để làm phẫu thuật cưa bỏ một bên chân để chữa trị căn bệnh ung thư xương. Mới 19 tuổi đầu, bao nhiêu ước mơ, dự định đành phải bỏ dở vì căn bệnh quái ác.
Còn nữa
------------------------
Bài tiếp theo: Ám ảnh chuyện xe máy chở thi thể bó chiếu, "Bồ tát sống" chạy ô tô cứu thương miễn phí vào lúc 0h ngày 16/9/2019.
Hai năm qua, chàng trai 9X ở Sài Gòn đã giúp hơn 100 “chuyến xe cuối cùng” cho các bậc cha mẹ nghèo đưa con của họ về...