Những ngày này, tranh thủ công việc đồng áng còn chưa nhiều, người dân ở tổ dân phố (TDP) Ngọc Sơn, phường Đức Thuận (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) tập trung về khu vực đền cả Bến Hàu để cùng nhau góp sức trong việc tôn tạo, xây dựng lại ngôi đền.
Không cần ai nhắc nhở, mọi người cùng nhau làm việc, tạo nên không khí vui vẻ, náo nhiệt. Những người đàn ông có kinh nghiệm trong xây dựng, sẽ phụ trách việc thi công đền, phụ nữ thì dùng xe cò đẩy cát, đá, xi măng, trộn vữa cho thợ làm. Một số khác thì dọn dẹp, phát quang xung quanh. Trong số những người tham gia xây dựng, còn có các bậc cao niên, họ cũng sẵn sàng xắn tay áo phụ giúp đun ấm nước, dọn dẹp cùng mọi người.
“Người dân chúng tôi chỉ mong tới ngày ngôi đền được khánh thành. Nghĩ tới lúc ấy, bao mệt nhọc cũng đều qua hết”, ông Nguyễn Văn Chung (SN 1964, trú tổ dân phố Ngọc Sơn, phường Đức Thuận) cho hay.
Đền cả Bến Hàu đang được người dân xây dựng lại trền nền cũ
Theo chia sẻ của cụ bà Phan Thị Hóa (SN 1945), khu vực đền cả Bến Hàu trước kia vốn là một bến thuyền. Nơi đây tập trung khá nhiều tàu thuyền chở gạch ngói, tre nứa, bán cho người dân để dựng nhà cửa. Khi lập làng Ngọc Sơn cũ (nay là TDP Ngọc Sơn), người dân địa phương đã xây dựng 7 ngôi đền, trong đó có đền cả Bến Hàu để thờ các vị thần linh.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, đền cả Bến Hàu bị giặc đập phá, chỉ còn lại phần móng, vài bức tượng cùng ít gạch cũ nát. Trải qua nhiều thời gian, ngôi đền cổ gần như bị lãng quên, cỏ mọc um tùm. Vào năm 2006, 15 hộ dân trong tổ liên gia ở TDP Ngọc Sơn đã góp mỗi nhà 1 triệu đồng, phục dựng lại đền cả Bến Hàu.
“Nói là góp 1 triệu đồng, nhưng cũng phải chia thành nhiều đợt bởi nhà ai cũng khó khăn. Do kinh phí hạn hẹp nên chỉ dựng được ngôi đền nhỏ để người dân có nơi thờ phụng, hương khói”, cụ bà Phan Thị Hóa tâm sự.
Cụ bà Phan Thị Hóa kể về lịch sử ngôi đền
Tới năm 2018, khi đời sống ngày càng được nâng cao, kinh tế khá hơn, người dân ở TDP Ngọc Sơn mong muốn tôn tạo, xây dựng ngôi đền mới rộng rãi, trang nghiêm hơn. Người dân đã cùng nhau thảo luận, thống nhất thiết kế về ngôi đền mới rồi trình lên phường Đức Thuận, Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Hồng Lĩnh và Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh xin ý kiến.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Hồng Lĩnh Đặng Quang Vinh cho hay, qua tìm hiểu từ tư liệu truyền ngôn của cụ Bùi Ký (người cao niên ở phường Đức Thuận), ngôi đền đã có khoảng 500 năm tuổi.
“Nhận thấy mục đích việc tôn tạo, xây dựng lại đền Bến Hàu của người dân TDP Ngọc Sơn là đúng, thiết thực, các ngành chức năng đã đồng ý cho trùng tu đền trên nền móng cũ”, ông Vinh cho hay.
Năm 2006, 15 hộ dân góp mỗi nhà 1 triệu đồng, phục dựng lại đền cả Bến Hàu nhưng chỉ với diện tích nhỏ
Chị Hoàng Thị Huyền (SN 1973) cho hay, kinh phí dự kiến xây dựng ngôi đền cùng một số hạng mục lên tới 500 triệu. Đền cả Bến Hàu do chưa được công nhận di tích lịch sử văn hóa nên kinh phí thực hiện chủ yếu dựa vào sự đóng góp của người dân địa phương.
Hiện nay, người dân cùng một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã đóng góp, ủng hộ được số tiền 300 triệu. Ngoài việc đóng góp kinh phí, việc xây dựng đền cũng do người dân phụ trách, chứ không thuê thầu khoán.
“Mọi người ai có bao nhiêu thì góp bấy nhiêu, tùy vào lòng hảo tâm. Người có thì 100, 200 nghìn, người khó thì góp dăm ba chục nghìn”, chị Huyền chia sẻ.
Ngoài kinh phí, người dân TDP Ngọc Sơn còn đóng góp ngày công trong việc trùng tu, tôn tạo ngôi đền
Tới thời điểm này, hình dáng ngôi đền mới đã cơ bản được hình thành, nhưng theo chị Huyền, để hoàn thành sẽ còn mất khá nhiều thời gian, kinh phí.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh Nguyễn Cảnh Thụy cho hay, đơn vị rất ủng hộ việc trùng tu, tôn tạo đền cả Bến Hàu mà người dân TDP Ngọc Sơn đang làm.