Dân Việt

Đảo quốc Thái Bình Dương quay lưng với Đài Loan, căng thẳng Mỹ-Trung tăng nhiệt?

Đăng Nguyễn - SCMP 04/09/2019 00:25 GMT+7
Căng thẳng giữa hai cường quốc thế giới là Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ tăng nhiệt ở khu vực Nam Thái Bình Dương, với diễn biến mới nhất từ đảo quốc Solomon đang có xu hướng ngả về phía Bắc Kinh.

img

Đảo quốc Solomon đang có xu hướng quay lưng với Đài Loan, ngả về phía Trung Quốc.

Theo SCMP, quần đảo Solomon sau 36 năm thiết lập quan hệ với Đài Loan đã thành lập một nhóm các bộ trưởng để thảo luận với Trung Quốc về vấn đề chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ này.

Quần đảo Solomon là một trong 17 quốc gia vẫn công nhận Đài Loan. 6 trong 17 quốc gia này nằm tại Thái Bình Dương.

Trung Quốc coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời và trong bối cảnh nhà lãnh đạo Đài Loan tích cực tìm kiếm độc lập, Bắc Kinh đã không ngừng thuyết phục các đảo quốc Thái Bình Dương quay lưng với Đài Loan.

Nhóm đặc biệt do Thủ tướng quần đảo Solomon, Manasseh Sogavare, thành lập dự kiến sẽ đưa ra đề xuất trong tuần này về vấn đề Đài Loan.

“Chính quyền hiện tại ở quần đảo Solomon đã có cân nhắc nhất định về việc thay đổi”, Peter Kenilorea, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Solomon, cho biết. Theo nguồn tin giấu tên của Reuters, nhóm đặc biệt và nhóm các bộ trưởng Solomon có xu hướng ngả về phía Bắc Kinh.

Phía Trung Quốc bày tỏ sự hoan nghênh, nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng phát triển quan hệ hữu nghị với các nước khác dựa trên nguyên tắc Một Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định, nếu đảo quốc Solomon ngả về phía Trung Quốc thì đây không chỉ là đòn giáng mạnh với Đài Loan, mà còn làm tăng sức nóng trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ở Nam Thái Bình Dương.

img

Phía Trung Quốc xác nhận chuyến thăm của các bộ trưởng Solomon hồi tháng trước.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại và là nhà tài trợ hàng đầu ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Sự hiện diện ngày càng lớn mạnh của Bắc Kinh, bao gồm xây cầu đường, bệnh viện, hải cảng và các chương trình viện trợ, đã khiến Washington lo ngại.

Mỹ từ lâu đã duy trì quyền phòng thủ độc tôn ở Nam Thái Bình Dương, nhờ vào căn cứ quân sự trên đảo Guam và thảo thuận quốc phòng với các hòn đảo Micronesia, Marshall và đảo Palau.

Trong chuyến thăm Micronesia hồi tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đề cập đến tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Ông Pompeo nhắc đến những nỗ lực của Trung Quốc trong việc “vẽ lại bản đồ Thái Bình Dương”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuần trước đề cập đến việc Mỹ cần thêm căn cứ quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương để đảm bảo duy trì sức mạnh của Mỹ ở khu vực này “vì năng lực quân sự và trinh sát của Trung Quốc đã cải thiện đáng kể”.

Năm ngoái, một báo cáo nhắc đến việc Bắc Kinh có kế hoạch xây căn cứ hải quân ở Vanuatu, khiến Mỹ và Úc “đứng ngồi không yên”. Phía Trung Quốc và Vanuatu sau đó bác bỏ báo cáo này.

Derek Grossman, chuyên gia phân tích của Tập đoàn RAND, nói: “Nếu quần đảo Solomon ngả về Trung Quốc thì Bắc Kinh sớm muộn cũng sẽ hiện diện ở đó”.

Adam Ni, nhà nghiên cứu Trung Quốc ở Đại học Macquarie, Sydney, Úc, cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương có tác động tiêu cực đến cả Mỹ và Úc.

Jonathan Pryke, giám đốc chương trình đảo Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu Lowy ở Úc trấn an, đảo quốc Solomon sẽ không thể ngay lập tức tạo ra hiệu ứng domino nếu cắt đứt quan hệ với Đài Loan. “Nhưng dù sao, tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Bắc Kinh trong khu vực vẫn là vấn đề đáng lo ngại”.

Tên lửa Trung Quốc có thể hủy diệt căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương trong vài giờ

Nếu xung đột quân sự nổ ra giữa Trung Quốc và Mỹ, các tên lửa hiện đại của Trung Quốc có thể hủy diệt căn cứ quân...