Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của áp thấp nhiệt đới Kajiki. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVQG.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ sáng nay (4/9), áp thấp nhiệt đới Kajiki đang ở cách đất liền các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 180km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 60km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km.
Đến 4 giờ ngày 5/9, Kajiki ở cách đảo Hải Nam khoảng 120km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm lên cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới ở khu vực giữa Biển Đông hình thành ngày 2/9 đã suy yếu thành vùng áp thấp sau 1 ngày và bị hút vào cơn áp thấp nhiệt đới Kajiki.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới Kajiki, từ nay đến ngày mai (5/9), các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 70-150mm, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế 100-200mm); khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to (50-100mm. Từ ngày 6/9 mưa lớn giảm nhanh ở Trung Bộ.
Ngày hôm nay (4/9), ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao 2,0-4,0m; biển động mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam cường độ mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. Sóng biển cao 2,5-3,5m. Biển động mạnh.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới Kajiki và mưa lớn ở miền Trung, Tây Nguyên, Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương chủ động thông báo cho tàu thuyền biết vị trí của áp thấp nhiệt đới để tránh đi vào khu vực nguy hiểm.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động sơ tán dân cư khỏi vùng nguy hiểm; bố trí lực lượng canh gác tại các khu vực ngầm tràn, đường giao thông bị ngập sâu.
Tổ chức lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy lũ quét, sạt lở đất; Khơi thông ngay các điểm bị tắc nghẽn dòng chảy.
Chủ động lùi ngày khai giảng để đảm bảo an toàn cho học sinh tại các khu vực bị ngập sâu; Huy động lực lượng giúp người dân thu hoạch diện tích lúa đã chín.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa nhất là hồ, đập xung yếu, đang thi công và các hồ nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố.
Áp thấp và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông kết hợp với bão Lingling ngoài khơi Thái Bình Dương tạo thành tam giác xoáy...