Dân Việt

"Trạm thu phí" 5 nghìn đồng ở những cây cầu ván gỗ, buộc dây thép

Trần Hiền 06/09/2019 10:17 GMT+7
Vì làm rẫy bên kia sông, nhiều người dân tại hai huyện Krông Pa và Chư Păh (Gia Lai) đã tự mua ván, gỗ hay các thanh sắt dựng thành những chiếc cầu tạm bợ để có thể qua sông. Nguy hiểm hơn, dù những chiếc cầu đã hỏng, ván cũng mục nát, 2 bên chân cầu đã sạt lở nhưng người dân vẫn liều mình đi qua mỗi ngày với mức giá 5 nghìn đồng/lượt.  

Nguy hiểm rình rập

Nhiều năm nay khu sản xuất và nhà ở của gần 1000 hộ dân thuộc 4 buôn Chư Bang, Chư Jứt, Ma Rok và Tơ Nia (xã Chư Gu, huyện Krông Pa) bị ngăn cách bởi con sông Ba rộng hơn 1km. Hàng chục hộ dân đã tự mua ván, gỗ về dựng 3 chiếc cầu tạm để có thể qua sông phát triển kinh tế. Tại đầu cây cầu có một "trạm thu phí", mỗi lượt người qua phải đóng 5.000 đồng, gọi là góp lại tiền dựng cầu.

img

Chiếc cầu tạm dài cả cây số mà người dân Krông Pa lấy ván và gỗ bời lời để dựng lên

img

Hai bên cầu đã bị sạt lở

Theo quan sát của PV, những cây cầu tạm này được người dân ghép tạm bằng những tấm ván và cây bời lời, dài khoảng 1 cây số. Khá nhiều tấm ván trên cầu đã gãy đôi, 2 bên chân cầu cũng bị sạt lở tiềm ẩn nguy hiểm khi lưu thông. Hiện tại trong 3 cây cầu mà người dân dựng tạm bằng ván và gỗ đã có 1 cầu bị hỏng, còn 2 cầu đang hoạt động.

img

Chiếc cầu tạm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm ở xã Đăk Tơ Ver

Ông Nguyễn Văn Tuyên - Chủ tịch UBND xã Chư Gu cho biết, trước đây xã Chư Gu và xã Chư Drăng là một xã, sau khi tách người dân xã Chư Gu đã sang và định cư bên này sông Ba. Tuy sống trên địa bàn xã Chư Gu nhưng hơn 80% người dân đều qua sông Ba để canh tác, làm ăn. Mỗi ngày có cả hàng trăm lượt qua lại trên cây cầu tạm này, việc này xã đã báo cáo với huyện từ năm 2016 và đã có nhiều đoàn từ Sở và huyện xuống kiểm tra. Cứ đến mùa nước lũ, những chiếc cầu này lại bị nước cuốn trôi, nhưng sau đó người dân dựng lại.

img

Mùa mưa nước ngập cầu nhưng người dân vẫn liều mình đi qua

Được biết, nếu không có những cây cầu tạm này thì người dân phải đi lại ngã 3 xã Chư Rcăm và theo tuyến đường Đông Trường Sơn dài gấp 10 lần. Ngoài ra, con đường đến thị trấn Phú Túc và qua cầu Phú Cần cũng tương tự như quãng đường trên.

img

Hàng ngày có cả 100 lượt người qua cầu lên rẫy

Tương tự, hơn 50 hộ với 200 khẩu thuộc làng Hde (xã Đăk Tơ Ver, huyện Chư Păh) cũng đang liều mình đi qua cây cầu được làm bằng những tấm ván cũ để vào khu sản xuất. Những tấm ván đã mục, xuất hiện nhiều lỗ hổng nham nhở, mỗi khi mưa xuống từng đoạn cầu lại ngập sâu nhưng người dân vẫn bì bõm lội qua để lên nương rẫy.

Dân mong mỏi có cây cầu mới

Được biết, làng Hde sống tách biệt trên núi, cách xa làng khác. Trước đây người dân sống ở khu vực lòng hồ thủy điện nhưng sau được tái định cư lên ở đây. Hàng ngày, để đi được vào khu sản xuất thì người dân phải vượt qua một chiếc cầu tạm rất nguy hiểm. Những lúc lũ đột ngột, bà con thường dùng thuyền để qua lại. Cách đây một tháng vì nước dâng cao nên một số người dân đã tự chèo thuyền đi hái lá chuối bên kia núi. Khi ra đến giữa dòng nước lớn, chiếc thuyền bị lật khiến anh Trần Công Quyền (34 tuổi) bị nước cuốn tử vong.

img

Chiếc cầu tạm bợ giữa dòng nước lớn

Địu đứa con trai đang khát sữa qua cầu tìm vợ, anh Siu Hương (làng Hde) bộc bạch: “Nhà mình có 5 người con nên vợ chồng phải chia nhau ra đi làm. Nay vợ mình lên rẫy trồng mì còn mình ở nhà phụ với trai làng xây nhà. Đang làm thì con trai khóc quá nên mình phải bế cháu vượt qua suối sang khu sản xuất tìm vợ cho con bú…Vì cầu càng ngày càng yếu, không đưa xe máy qua được nên mình phải đi bộ đến nơi vợ làm.

img

Nhiều người biết được nguy hiểm rình rập mỗi khi qua cầu nhưng vẫn liều mình đi qua

Theo chị Rơ Châm Canh (làng Hde), trước kia nhà nước làm cho cây cầu, nhưng mùa lũ nước đã cuốn trôi nên người dân đã góp ván, dây sắt để làm cây cầu tạm qua lại. Qua 5 năm, ván đã mục chỉ trơ lại phần khung. Dân ở đây đều muốn có cây cầu để đi xe máy qua, chở nông sản về nhưng chưa có nên đành phải đi bộ qua làm rồi vác nông sản qua bên này để chở về.

img

Chiếc cầu được lắp tạm bằng đôi ba tấm ván cùng những sợi dây thép lỏng lẻo

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Ánh - Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Ver cho biết: “Hiện người dân trong làng đều mong mỏi có một chiếc cầu để đi lại và vận chuyển nông sản nhưng huyện, xã vẫn chưa có phương án để làm cầu vì mới đầu tư một cây cầu khác trong xã. Hàng ngày có cả trăm lượt người qua lại trên chiếc cầu này nên chính quyền xã cũng rất lo, nhất là mùa mưa lũ như hiện nay. Chúng tôi đang huy động nguồn xã hội hóa để dự kiến làm cây cầu khoảng hơn 100 triệu đồng, nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều”.