Ngày 4/9 Bộ TN-MT đã chính thức thông báo kết quả quan trắc về mức độ ô nhiễm đất, nước, không khí xung quanh khu vực xảy ra vụ cháy của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông; kết quả:
Khoảng cách 200m từ hàng rào nhà máy, các mẫu hấp phụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực đô thị)
Các điểm quan trắc không khí trong khuôn viên Công ty phía trước khu cháy và trong nhà kho bị cháy, có giá trị thủy ngân trong môi trường không khí cao, vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO từ 10-30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người)
Trước mắt cần phủ bạt che chắn để hạn chế hơi kim loại, thủy ngân còn tồn dư bị phát tán ra môi trường. Ảnh: Ngọc Hải
Có 2/9 điểm quan trắc nước mặt có giá trị thủy ngân nằm ngoài khoảng khuyến cáo của WHO, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đó là điểm ở Hồ Hạ Đình và trên sông Tô Lịch, tại điểm cách ngõ 320 Khương Đình 1,5 km về phía hạ lưu.
Nồng độ thủy ngân trong môi trường đất tại các vị trí quan trắc đều không vượt quá ngưỡng có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe của con người theo khuyến cáo của Canada, nhưng mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của công ty có hàm lượng thủy ngân cao hơn các vị trí khác.
Tuy nhiên, đây là so sánh với ngưỡng của WHO và Châu Âu, Canada , còn so với ngưỡng của Việt Nam thì không vượt.
Kết quả quan trắc cho thấy: khu vực không khí trong khuôn viên Nhà máy có mức độ ô nhiễm vượt 10-30 ngưỡng cho phép của WHO. Ảnh: IT
Nói về các phương án khắc phục hậu quả nhằm hạn chế tối đa rủi ro và đảm bảo an toàn cho người dân, ông Hoàng Văn Thức thông tin:
Trước mắt, khu vực cháy cần phải căng bạt, che chắn cẩn thận để tránh mưa và cũng để cho hơi kim loại, thủy ngân nếu còn tồn dư trong đất hoặc trong phế liệu, vật liệu cháy tại khu nhà kho không bị phát tán ra môi trường xung quanh.
Chúng ta đều biết bóng đèn ne-ong hay bóng đèn huỳnh quang khi cháy được xác định là chất cực kỳ nguy hại, cần được thu gom và xử lý theo quy định.
“Với chất độc hại là thủy ngân phương án xử lý rất phức tạp nhưng Việt Nam hoàn toàn có các đơn vị có thể thực hiện xử lý được, ví dụ như Bộ Tư lệnh Hóa học (Binh chủng Hóa học).
Cách xử lý thông thường là sẽ là phun, rải bột lưu huỳnh trên toàn bộ nền đất, sau đó sẽ được thu gom và xi măng hoặc bê tông hóa toàn bộ” – ông Hoàng Văn Thức nhấn mạnh.