Dân Việt

Quay lưng với nông sản Mỹ, Trung Quốc trông chờ vào những quốc gia nào?

Đăng Nguyễn - SCMP 05/09/2019 09:04 GMT+7
Các mặt hàng Trung Quốc thường xuyên nhập khẩu của Mỹ như tôm hùm, thịt lợn, lúa mì và đậu tương đều giảm mạnh, buộc các nhà nhập khẩu Trung Quốc phải tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác.

img

Trung Quốc dù gặp khó khăn vì thiếu nguồn cung nhưng quyết tăng thuế mạnh các mặt hàng nông sản Mỹ.

Theo SCMP, đầu mùa hè năm nay, một nhóm quan chức Mỹ ở Maine đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, yêu cầu hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp tôm hùm truyền thống của bang.

“Một trong những nạn nhân đầu tiên của việc Trung Quốc tăng thuế đáp trả Mỹ chính là tôm hùm đến từ Maine”, các nghị sĩ Mỹ đại diện cho bang Maine nói.

Nửa đầu năm 2017, Trung Quốc mua lượng tôm hùm trị giá 128,5 triệu USD của Mỹ. Con số này tăng 168% trong cùng kỳ năm 2018. Nhưng các đòn thuế đã khiến thị trường tôm hùm gần như đóng băng, sản lượng tôm hùm xuất sang Trung Quốc sau đó đã giảm 80%.

Trung Quốc không từ bỏ tôm hùm mà thay vào đó là khỏa lấp chỗ trống của tôm hùm nhập khẩu từ Canada. Sản lượng tôm hùm Canada xuất sang Trung Quốc nửa đầu năm 2019 đã bằng cả năm 2018, theo AP.

Canada trở thành thị trường tiềm năng vì tôm hùm ở đây khá tương đồng với tôm hùm đến từ Maine, Mỹ.

Sau đòn thuế mới của cả Mỹ và Trung Quốc vào ngày 1.9, tôm hùm Maine xuất sang Trung Quốc bị đánh thuế 45%, càng mở ra thị trường kinh doanh tiềm năng mới ở Canada.

Đậu tương, lúa mì và thịt lợn cũng nằm trong danh sách tăng thuế mới của Trung Quốc. Với quốc gia có 1,4 tỷ miệng ăn, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang tăng cường tìm kiếm các thị trường mới.

Đậu tương Mỹ xuất sang Trung Quốc bị đánh thuế 33%, trong khi mức thuế Trung Quốc áp đặt với các đối tác khác ở Brazil và Argentina chỉ là 3%. Điều này đồng nghĩa, Brazil đang chiếm trọn hoạt động xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc, tăng 77% chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018/2019.

Nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã trực tiếp có mặt tại Argentina để đánh giá thị trường và chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, các nông dân trồng lúa mì ở Mỹ đang dần đánh mất thị trường Trung Quốc vào tay các nông dân Canada. “Canada chiếm hơn 60% tổng sản lượng lúa mì Trung Quốc nhập khẩu từ nước ngoài trong năm 2018/2019, tăng 32% so với cùng kỳ”.

Lúa mì của Mỹ bị Trung Quốc tăng thuế đến 90% trong khi thịt lợn cũng bị đánh thuế 72%, dù vào thời điểm này Trung Quốc đang khan hiếm thịt lợn nghiêm trọng.

Trong tuần cuối tháng 8, Mỹ chỉ xuất sang Trung Quốc 6.900 tấn thịt lợn, trong khi con số này vào cùng kỳ năm 2018 là 19.484 tấn. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc tích cực mua thịt lợn từ các nước châu Âu hơn là Mỹ, đặc biệt là Tây Ban Nha và Đức.

Nếu như hàng hóa Mỹ bị đánh thuế mạnh ở Trung Quốc, các sản phẩm tương tự ở các quốc gia khác thậm chí còn nhập vào Trung Quốc với giá rẻ hơn nhờ ưu đãi.

Theo thống kê hồi tháng 6, Trung Quốc tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ lên mức khoảng 20%. Nhưng điều khiến nông dân Mỹ điêu đứng là việc Trung Quốc còn giảm thuế cho các mặt hàng nhập khẩu từ các nước khác ngoài Mỹ.

Ngừng mua nông sản Mỹ, Trung Quốc nhận “gáo nước lạnh” từ Nga

Xuất khẩu đậu tương của Nga sang Trung Quốc trong năm tới có thể vẫn ở mức thấp, các nhà phân tích cảnh báo, cho thấy...