Dân Việt

Có một cây cầu với cách giải phóng mặt bằng “không giống ai”

Quốc Phong 05/09/2019 14:37 GMT+7
Cây cầu Bạch Đằng nối từ Quảng Ninh sang đất Hải Phòng, để biến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long được thông suốt, có cách đầu tư “không giống ai” và duy nhất ở nước ta.

Khi cây cầu Bạch Đằng được xây dựng nối từ Quảng Ninh sang đất Hải Phòng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã chủ động bỏ kinh phí ra giải phóng mặt bằng cho cả một vùng đất của dân bên địa phương bạn (Hải An, Hải Phòng). Họ chỉ nghĩ giản đơn, miễn là cây cầu sớm hoàn thành và  được việc cho Quảng Ninh.

Tôi cũng hiểu một điều, trong sự kiện này, Hải Phòng không cần hối hả vì họ được hưởng lợi ít hơn so với Quảng Ninh khi có thêm cây cầu này. Ai hưởng lợi nhiều, người đó sẽ mặn mà, tích cực đốc thúc và tự bỏ thêm kinh phí thì cũng là phải thôi.

img

Cầu Bạch Đằng. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Lúc đang thi công, tôi đã biết có thông tin này. Thế nhưng, khi hỏi kỹ để viết về chuyện đó thì một vị lãnh đạo ở trung ương bảo tôi rằng không nên viết vì có thể sẽ có anh mất vui khi cây cầu đi vào hoạt động.

Quả là rất trân trọng lối tư duy mới của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, mà nay sau tròn 1 năm đi vào lưu thông, tôi lại rất muốn viết. Mong rằng qua câu chuyện này, nhiều địa phương có thể tham khảo và suy ngẫm về một cách làm táo bạo, giúp cho  công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương mình.

Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng khởi công từ tháng 9/2014, với chiều dài 24,6km, gồm 2 dự án thành phần: Cao tốc Hạ Long - cầu Bạch Đằng (dài 19,3km, có giá trị đầu tư 6.416 tỉ đồng bằng ngân sách địa phương) và Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến (dài 5,3km, đầu tư theo hình thức BOT, giá trị đầu tư 7.277 tỉ đồng). Đây là dự án đường cao tốc đầu tiên được Chính phủ giao cho địa phương tự đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và hình thức đối tác công tư (PPP). Cầu Bạch Đằng nằm trong dự án cũng là cầu dây văng đầu tiên do người Việt Nam tự thiết kế và tổ chức thi công theo mô hình trên.

Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có 4 làn xe, tốc độ tối đa 100km/h, nối với đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội và rút ngắn quãng đường từ TP.Hạ Long (Quảng Ninh) đi Hà Nội từ 180km xuống còn 130km, thời gian đi ô tô từ 3,5 giờ nay giảm chỉ  còn hơn 1,5 giờ; quãng đường từ TP.Hạ Long đi Hải Phòng trước dài 75km,nay giảm còn 25km. 

img

Lễ khánh thành cầu Bạch Đằng năm 2018. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Tôi còn nhớ, khi phát biểu tại lễ thông đường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phát triển hạ tầng là ưu tiên quan trọng của Chính phủ trong các nhiệm kỳ, để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng sẽ góp phần thúc đẩy liên kết vùng, kết nối Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và mở thêm không gian, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội.

"Đây là một minh chứng cụ thể về tinh thần tự lực, tự cường, về khả năng làm chủ công nghệ thi công cầu đường của người Việt Nam. Chúng ta đã tự đầu tư, thiết kế, thi công, với công nghệ tiên tiến nhất. Đây là một sự táo bạo, đột phá cần thiết, rất cần trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay", Thủ tướng nói và đề nghị tỉnh Quảng Ninh, TP.Hải Phòng và các bộ, ngành trung ương phát huy hiệu quả cao nhất của cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, chắp cánh cho kinh tế, du lịch của 2 địa phương phát triển. 

Cây cầu Bạch Đằng này có biểu tượng 3 chữ H cách điệu làm 3 mố cầu thật là ý nghĩa, thể hiện mối liên kết vùng giữa Hà Nội - Hải Phòng- Hạ Long trong tương lai. 

Trong một năm đưa vào lưu thông, Quảng Ninh thêm một lần đột phá trong lĩnh vực du lịch và vận chuyển hàng hoá, giao thương quốc tế . Được biết trước đó, phòng ốc khách sạn ở Quảng Ninh đã đạt công suất phòng rất cao. Từ nay, nhờ rút ngắn khoảng cách đi lại, du khách càng “khoái” khi đến Hạ Long hơn nữa. Theo quan điểm của các chuyên gia du lịch, du khách nếu đi một chặng đường dưới 2 giờ sẽ thích đến hơn là đi 3-4 giờ đường bộ nếu tính từ Hà Nội. 

Cũng nhờ con đường nói trên, du khách Trung Quốc qua Quảng Ninh sẽ có thêm địa chỉ mới để họ đến thăm là Hải Phòng, và như vậy thành phố cảng cũng được lợi.

Một tư duy mới sẽ đem cái lợi đủ đường cho việc phát triển kinh tế đất nước nói chung, khi mà vấn đề liên kết vùng đã được giải bài toán thông qua hạ tầng giao thông phát triển ngoạn mục mà Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội quả là một ví dụ sinh động.