Núi Phú Cường (xã An Nông, Tịnh Biên) mùa mưa bạt ngàn màu xanh của lá. Lẫn khuất giữa màu xanh ấy là sức sống mãnh liệt của một loại tre rừng mà dân địa phương gọi là cây le. Dù chỉ là cây hoang dại nhưng chúng lại mang đến cho đời vị ngon đặc trưng bằng những chồi măng nhú lên từ mặt đất Phú Cường. Nhờ đó, cây le đã mang đến nguồn sống cho những hộ dân không có việc làm ổn định tại địa phương, bởi măng của nó được xếp vào hàng ngon nhất so với các giống tre xuất hiện ở vùng Bảy Núi.
Đã có hơn 15 năm rong ruổi khắp các vạt rừng của núi Phú Cường để giẫy măng le, anh Nguyễn Văn Mừng hiểu rất rõ về giống tre rừng này. Với anh Mừng, cây le gắn bó từ thuở nằm nôi. Khi anh là đứa trẻ, cây le còn mọc sát hè nhà. Người lớn muốn ăn măng chỉ cần xách mác đi một lát là có rổ măng đầy. Hồi ấy, cây le nhiều đến mức người ta cảm thấy thừa mứa và những mụt măng của nó cũng chẳng thể bán cho ai. “Thời tôi còn nhỏ, cứ ăn cơm với măng le suốt. Má tôi bữa thì xào mỡ, bữa luộc chấm muối ớt. Mà ngon lắm! Măng le hay ở chỗ không có độc tính, không đắng nên rất dễ ăn. Đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy ngon mỗi khi ăn măng le. Ngặt nỗi, cuộc sống khó nghèo nên giẫy được bao nhiêu măng đều đem bán hết, không dám để lại ăn. Nhờ phẩm chất ngon nên măng le dễ bán, giúp gia đình tôi cải thiện thu nhập mấy tháng mùa mưa, lúc chẳng có ai thuê tôi làm”- anh Mừng tâm sự.
Niềm vui của anh Mừng khi có được “lộc” của núi rừng
Theo anh Mừng, khoảng giữa tháng 6 âm lịch mùa măng le bắt đầu rộ. Dân nghèo quanh chân núi Phú Cường cũng bắt đầu vào mùa mưu sinh với “lộc” của rừng. Mỗi ngày, anh Mừng lên núi lúc 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa thì trở xuống, mang theo 5-7kg măng le vừa giẫy được. Anh Mừng cho biết, giá măng đầu mùa khoảng 30.000 đồng/kg và hiện nay chỉ còn một nửa do đã vào vụ rộ. Cũng nhờ đó mà mỗi ngày anh có được gần trăm ngàn đồng trang trải trong gia đình và chuẩn bị cho mấy đứa con bước vào năm học mới. “Cây le hay lắm! Mình giẫy măng bữa trước, hôm sau lại có mụt khác trồi lên. Vì dân ở đây chỉ lấy măng vào mùa mưa nên mùa khô mụt măng vẫn kịp lớn thành cây, phát triển xanh tốt khắp núi rừng. Nói thiệt, nghề này cũng vất vả bởi chuyện đi rừng chưa bao giờ đơn giản. Được cái mình cực mà có nguồn thu nên tui cũng ráng bươn chải để lo cho sấp nhỏ đi học” - anh Mừng thật tình.
Sơ chế măng ngay tại rừng
Theo chân anh Mừng lên núi tìm măng, tôi mới thấm thía nỗi vất vả mà người nông dân này trải qua hàng ngày. Đường lên núi Phú Cường dốc dựng đứng. Những bụi le mọc thành vạt um tùm và đầy gai nhọn. Anh Mừng đi phía trước dùng mác phác bớt gai góc để tôi dễ đi. Ngặt nỗi, mấy bụi le chỉ cao chừng 2m và khá nhiều nhánh nên chúng tôi không thể đi thẳng lưng mà phải khom người từ từ “bò” lên núi. Sau nửa giờ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, tôi cũng đến vạt le anh Mừng thường lấy măng. Mấy mụt măng nằm lác đác dưới góc le là thành quả của chúng tôi sau quá trình lặn lội lên núi. Anh Mừng dùng mác xắn từng mụt măng một cách cẩn thận, bởi đây là “lộc” của núi rừng nên phải giữ sao cho đẹp mắt để dễ bán.
Mồ hôi đầm đìa, tôi vừa chụp ảnh vừa đập muỗi liền tay. Muỗi ở đây đúng thật muỗi rừng, nhiều vô kể. Đứa con trai học lớp 3 của anh Mừng thì cứ thoăn thoắt đi phía trước như không biết mệt. Chốc chốc nó lại gọi ba để chỉ mụt măng vừa tìm thấy. Mỗi lần như thế, anh Mừng đều cười tươi. Niềm vui của dân lao động chỉ đơn giản có vậy. Từng mụt măng cao chừng tấc rưỡi, to hơn ngón chân cái lần lượt được anh Mừng xắn lên. Với anh, đó là cuộc sống, là niềm mơ ước cho mấy đứa con có thêm quyển tập, cây viết để đến trường. Do lên núi vào buổi chiều nên chúng tôi phải tranh thủ trở xuống. Dù chỉ là chuyến đi ngắn nhưng cũng giúp tôi hình dung một cách đầy đủ về quá trình đi tìm đặc sản măng le của vùng Bảy Núi, thứ “lộc” của núi rừng vẫn còn nuôi sống được dân nghèo nơi đây.
Cầm trên tay “chiến lợi phẩm” mình có được, anh Mừng cho biết hôm sau lại lên núi tìm măng vì người dân quanh núi Phú Cường chỉ còn khai thác được thêm chừng tháng nữa. Với tôi, chuyến đi tìm măng rừng cũng khá hữu ích vì đã tích lũy thêm những kiến thức về cuộc sống, con người và vùng đất hùng vĩ này. Nhất định, tôi sẽ thưởng thức cho bằng được đặc sản măng le, để hiểu rõ hơn cái vị ngon chân chất của núi rừng Bảy Núi.