Dân Việt

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Gỗ Việt bị lợi dụng xuất xứ?

Khánh Nguyên 06/09/2019 08:51 GMT+7
Trong khi nhiều mặt hàng nông sản giảm đáng kể về kim ngạch xuất khẩu, xuất khẩu gỗ vẫn chinh phục được những mốc mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng, vấn đề gian lận xuất xứ, ảnh hưởng đến uy tín gỗ Việt cần phải được đặc biệt quan tâm.

Giá trị xuất khẩu tăng

Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NNPTNT, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 8/2019 ước đạt 937 triệu USD, lũy kế xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 6,66 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2018. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc duy trì vị trí 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 với 80,2% tổng giá trị xuất khẩu.

img

Chế biến gỗ tại Nhà máy Tân Bình (huyện Đầm Hà, Quảng Ninh).  Ảnh: I.T

Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất tại thị trường EU. Danh tiếng của đồ gỗ từ Việt Nam cũng dần được nâng cao do các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có khả năng cung cấp các đơn hàng số lượng lớn ở phân khúc tầm trung.

Các chuyên gia nhận định, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng trưởng tốt trong 8 tháng năm 2019 là do Việt Nam tận dụng tốt cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Mỹ và tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất tại EU nhờ mẫu mã và chất lượng liên tục được cải thiện.

Theo báo cáo thị trường gỗ nhiệt đới tháng 7/2019, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất tại thị trường EU. Danh tiếng của đồ gỗ từ Việt Nam cũng dần được nâng cao do các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có khả năng cung cấp các đơn hàng số lượng lớn ở phân khúc tầm trung. Ngành xây dựng của EU đang ấm trở lại, đặc biệt tại các thị trường như Đức, Áo, Tây Ban Nha và Hà Lan kéo theo nhu cầu gỗ tăng cao. Theo nghiên cứu của Euroconstruct, ngành xây dựng tại EU phục hồi trở lại kể từ năm 2018 trở lại đây, với mức tăng 3,1% năm 2018.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU (VPA/FLEGT) là một bước tiến mới đánh dấu khởi đầu việc Việt Nam và EU cùng cam kết hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ không phải chịu trách nhiệm giải trình nguồn gốc xuất xứ gỗ khi đã được cấp giấy phép FLEGT.

Lo ngại gian lận xuất xứ

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng trưởng mạnh trong 8 tháng năm 2019, nhưng điều đáng lo ngại là hành vi gian lận nguồn gốc xuất xứ (C/O) đang diễn biến phức tạp, có thể ảnh hưởng đến uy tín gỗ Việt.

Có một con số thể hiện sự bất thường là kim ngạch nhập khẩu gỗ cũng tăng đột biến trong 8 tháng năm 2019. Theo đó, giá trị nhập khẩu gỗ tháng 8/2019 ước đạt 216 triệu USD, lũy kế nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 8 tháng đầu năm đạt 1,67 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, trong 7 tháng năm 2019, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam với 21,1% thị phần.

Cuối tháng 7, ông Trần Thanh Hải - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từng cảnh báo, các hành vi gian lận, tẩy xóa C/O, làm giả C/O đang diễn biến hết sức phức tạp, trong đó, sản phẩm gỗ dán đang được đặc biệt chú ý.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), tổng sản lượng xuất khẩu gỗ dán của thế giới là trên 30 triệu m2, trong đó, Trung Quốc xuất khẩu hơn 11 triệu m2, Mỹ lại là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Việc gỗ dán Trung Quốc bị áp thuế lên đến 180% trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến các doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách đầu tư sang Việt Nam, từ đó mượn tên gỗ Việt xuất sang Mỹ.

Có thể thấy, một làn sóng các doanh nghiệp Trung Quốc đang ồ ạt đầu tư vào ngành gỗ ở Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2019, có 49 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) mới đầu tư vào ngành gỗ, tương đương với 73% tổng số dự án năm 2018. Quy mô vốn FDI của 5 tháng đầu năm 2019 lớn hơn 1,2 lần tổng số vốn đầu tư FDI vào ngành gỗ trong cả năm 2018. Trong số quốc gia đầu tư, Trung Quốc đứng đầu với 21 dự án, tương đương 43% tổng số dự án FDI đầu tư vào ngành gỗ.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Viforest cho rằng, lúc này cần thận trọng, không nên phát triển ồ ạt và tự phát các công ty gỗ dán để tránh gây thiệt hại về lâu dài cho ngành.