Tưng bừng cờ hoa, trăm trẻ ở nhà
Sáng 5/9/2019, bên bờ sông Đáy, Trường Tiểu học Thanh Hải B và Trường mầm non Thanh Hải B ở thôn Trung Hiếu Thượng, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam tưng bừng cờ hoa tổ chức lễ khai giảng năm học mới.
Tuy nhiên, phần lớn trẻ trong độ tuổi đến trường ở thôn Trung Hiếu Thượng đã không được đến dự “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”.
Trường mầm non Thanh Hải có hai điểm trường A và B, năm nay đã thuê ô tô chở các cháu ở điểm trường A từ thôn Trung Hiếu Hạ phía bên kia sông Đáy sang điểm trường B tại thôn Trung Hiếu Thượng để dự lễ khai giảng. Bởi điểm trường A đang xây dựng và để “đông các cháu hơn” trong ngày lễ khai giảng năm học mới.
43 trẻ ở điểm trường Mầm non Thanh Hải khu B đã không đến dự lễ khai giảng
Một lãnh đạo Trường mầm non Thanh Hải xác nhận với Dân Việt, sáng 5/9 nhiều phụ huynh ở thôn Trung Hiếu Thượng đã không đưa trẻ đến dự lễ khai giảng. Thôn Trung Hiếu Thượng có 53 trẻ độ tuổi mẫu giáo, chỉ có 10 cháu dự lễ khai giảng, 43 cháu không được phụ huynh đưa đến trường. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải do chất lượng giáo dục hay nhà trường.
Các phụ huynh ở thôn Trung Hiếu Thượng không đưa trẻ đến trường nhằm phản đối một dự án Bến thủy nội địa để vận chuyển đá, xi măng được xây dựng ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Kỳ (64 tuổi, người dân xã Trung Hiếu Thượng) cho biết: “Từ năm 2011, người ta đã muốn làm bến thủy để vận chuyển đá ở vị trí hiện tại nhưng người dân đã phản đối và đề nghị dịch chuyển lên vị trí khác. Một bến thủy quy mô đã được xây dựng ở vị trí người dân đề nghị. Thế nhưng, đến nay họ lại tiếp tục làm bến thủy ở vị trí người dân phản đối nhiều năm qua”.
Người dân thôn Trung Hiếu Thượng vì bức xúc với một dự án trên địa bàn xã nên đã không cho trẻ đến trường dự lễ khai giảng
Người dân phản đối vì vị trí bến thủy được xây dựng nằm giữa trạm cấp nước, trạm y tế xã Thanh Hải khu B, Trường Tiểu học Thanh Hải B, Trường mầm non Thanh Hải B. Đặc biệt, đường vào bến thủy giao cắt với đường liên thôn, nơi đi lại mỗi ngày của người dân và hàng trăm em nhỏ.
Ngày 24/7/2017, UBND tỉnh Hà Nam có quyết định về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Bãi chứa và bến thủy trên sông Đáy của Công ty TNHH Khoáng sản Trung Huy và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Đại Phú Thịnh tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm. Tổng diện đích hơn 15 nghìn m2, tổng vốn đầu tư hơn 23 tỷ đồng. |
Người dân nhận thức được việc không đưa trẻ đến trường sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây là việc “cực chẳng đã” vì liên quan đến an toàn của các cháu.
Bà Trần Thị Kỳ (80 tuổi) lo lắng: “Cháu nội, cháu ngoại tôi học lớp 3 đạp xe ở đường liên thôn bị ngã suýt bị xe tải chở đá cán phải. Vì vậy, tôi nhất quyết không cho các cháu đi học nếu còn xe tải chạy rầm rập ở đường liên thôn như thế”.
Bức xúc đã lâu
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thắm – Chủ tịch UBND xã Thanh Hải xác nhận ngày 5/9/2019, trên địa bàn xã có 125 cấp Tiểu học và Mầm non không đến trường dự lễ khai giảng. Trong đó có 82 học sinh Tiểu học và 43 trẻ mầm non.
Trẻ không đi dự lễ khai giảng chủ yếu ở thôn Trung Hiếu Thượng, nơi có bến thủy vận chuyển đá mới hình thành. “Các cháu không được đi khai giảng là rất thiệt thòi” – ông Thắm nói.
Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Trung Hiếu Thượng Đào Xuân Linh xác nhận: “Việc doanh nghiệp xây dựng bến thủy nội địa vận chuyển đá không được người dân đồng tình. Quá trình xây dựng, họ còn tự ý phá đường giao thông liên thôn giữa hai thôn, phá mương thủy lợi được đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng”. |
Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cũng xác nhận những bức xúc của người dân từ nhiều năm qua về tình trạng ô nhiễm, nổ mìn phá đá, xe tải chở đá chạy qua địa bàn, việc hình thành bến thủy giữa trạm y tế, trạm cấp nước, trường tiểu học, trường mầm non.
“Chúng tôi đều ghi nhận và báo cáo cấp trên. Tuy nhiên, việc người dân tranh đấu quyền lợi vẫn có thể làm, còn không cho các cháu đến trường là trách nhiệm của người lớn. Không nên để các cháu không được đi học, không được giao lưu với bạn bè” – ông Trần Văn Thắm cho hay.
Trước khi xảy ra việc “lễ khai giảng trống vắng”, người dân thôn Trung Hiếu Thượng cũng đã từng không cho trẻ đến trường gần một tháng vào năm 2018 để phản đối việc hình thành bến thủy nội địa kể trên. Sau khi cơ quan chức năng tạm dừng việc xây dựng bến thủy, trẻ mới quay lại trường.
Tuy nhiên, đến nay bến thủy này đã cơ bản xây dựng xong và đi vào hoạt động, người dân lại tiếp tục phản đối.
Vị trí đặt bến thủy giao cắt với đường giao thông liên thôn ở Trung Hiếu Thượng, người dân lo ngại vấn đề an toàn giao thông với các cháu nhỏ
Ông Phạm Văn Thuấn – Phó Chủ tịch HĐND xã Thanh Hải cho biết những bức xúc của người dân đã được phản ánh từ lâu và qua nhiều lần tiếp xúc cử tri các cấp. Thậm chí, người dân thôn Trung Hiếu Thượng đã kéo nhau lên UBND tỉnh để kiến nghị.
Ông Thuấn cho biết Thường trực HĐND xã đã ghi nhận ý kiến người dân về việc đặt bến thủy tại vị trí hiện tại là không hợp lý bởi sát nhà máy nước sạch, trường tiểu học, mầm non, trạm y tế cũng như việc xe tải sẽ đi giao cắt với hệ thống đường liên thôn. Những kiến nghị của người dân đã được chuyển lên cơ quan cấp trên để xem xét giải quyết. Lãnh đạo huyện cũng đã tiếp xúc, đối thoại với người dân vào tháng 9/2018.
Hiện lãnh đạo UBND xã Thanh Hải vẫn đang tiếp tục vận động người dân đưa trẻ đến trường, còn những bức xúc của người dân sẽ được các ban ngành giải quyết.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.
Ngày 22/8, UBND huyện Thanh Liêm đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH khoáng sản Trang Huy và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Đại Phú Thịnh tạm dừng hoạt động đối với Dự án bãi chứa và bến thủy trên sông Đáy tại địa bàn xã Thanh Hải cho đến khi có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của UBND tỉnh và các cơ quan chức năng có liên quan. |