Thành Cát Tư Hãn qua đời trước khi kịp mở chiến dịch chinh phạt châu Âu.
Vào thế kỷ thứ 13, quân Mông Cổ với khí thế hùng mạnh đã có ý định đánh chiếm toàn bộ châu Âu. Điều này khiến các nước châu Âu phải run sợ bởi tiềm lực của người Mông Cổ quá lớn.
Sự trỗi dậy của Thành Cát Tư Hãn
Thành Cát Tư Hãn tên thật là Thiết Mộc Chân, trải qua thời thơ ấu vô cùng khó khăn. Người cha bị bộ lạc láng giềng đầu độc nên gia đình Thành Cát Tư Hãn mất hết quyền lực, phải sống một cuộc đời du mục đầy khó khăn.
Năm 1182, Thành Cát Tư Hãn bị những bị những người cùng bộ lạc cũ bắt trong một cuộc tập kích và bị giam cầm với gông trên cổ và chỉ may mắn trốn thoát được nhờ người cai ngục. Trong quãng thời gian này, người mẹ đã dạy cho Thành Cát Tư Hãn nhiều điều, từ sống sót trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Mông Cổ tới sự cần thiết của liên minh với những người khác. Thành Cát Tư Hãn từ đó luôn mang trong đầu suy nghĩ về sự thống nhất các bộ lạc Mông Cổ.
Trong nỗ lực hợp nhất các phe phái, Thành Cát Tư Hãn đã phá vỡ truyền thống của người Mông Cổ. Thay vì giết kẻ thù hoặc khiến họ trở thành nô lệ, Thành Cát Tư Hãn cam kết bảo vệ và thuyết phục họ tham gia vào các cuộc chinh phạt trong tương lai. Thành Cát Tư Hãn cũng sẵn sàng trọng dụng những người tài, có lòng trung thành và sự nhạy bén, hơn là ưu ái thành viên các gia tộc và gia đình.
Chính những tư tưởng khác biệt ở thời kỳ đó đã giúp liên minh của Thành Cát Tư Hãn không ngừng lớn mạnh. Kết quả là vào năm 1206, Thành Cát Tư Hãn đã thống nhất hoàn toàn các bộ lạc Mông Cổ, làm tiền đề hình thành nên đế chế lớn nhất lịch sử thế giới.
Khí hậu khác biệt và bệnh truyền nhiễm ngăn đoàn quân Mông Cổ.
Đến năm 1220, đế chế Mông Cổ trải dài từ bán đảo Triều Tiên cho đến sông Trường Giang ở Trung Hoa ở phía nam và dãy Himalaya, bờ sông Euphrates (Syria ngày nay) ở phía tây. Người Mông Cổ từ xa xưa đã làm chủ chiến thuật tiến công chớp nhoáng mà phát xít Đức sau này cũng áp dụng. Những kẻ thù ngoan cố kháng cự đều bị bao vây cho đến khi kiệt quệ.
Thành Cát Tư Hãn liền chia quân làm hai ngả. Đạo quân chính do Thành Cát Tư Hãn chỉ huy đánh qua Afghanistan và phía bắc Ấn Độ để trở về thảo nguyên Mông Cổ. Cánh quân còn lại khoảng 30.000 người do Triết Biệt và Tốc Bất Đài chỉ huy, hành quân qua vùng Kavkaz và vào Nga, tấn công sâu vào Armenia và Azerbaijan.
Thành Cát Tư Hãn khi đó đã cử một cánh quân nhỏ đi trinh sát Ba Lan và Hungary với tham vọng tiến quân về phía tây, tiến vào châu Âu. Cánh quân này sớm rút về Mông Cổ năm 1223.
Không rõ vì sao quyết định xâm lược châu Âu lại bị hủy bỏ. Các nhà sử học cho rằng quân Mông Cổ bất khả chiến bại trước các quân đội khác, nhưng lại bất lực khi bị đội quân muỗi truyền bệnh sốt rét tấn công, đặc biệt là cánh quân đóng ở vùng Kavkaz và dọc theo Biển Đen.
Bản thân Thành Cát Tư Hãn khi đó cũng mắc bệnh sốt rét triền miên. Các nhà sử học sau này hầu hết đều đồng tình rằng Thành Cát Tư Hãn qua đời vào năm 1227 ở tuổi 65, bởi nhiều căn bệnh khác nhau do hệ miễn dịch suy yếu kể từ khi mắc bệnh sốt rét.
Nơi an nghỉ của Thành Cát Tư Hãn cho đến nay vẫn là một điều bí ẩn. Người Mông Cổ khi đó không đánh giá nghiêm túc mối đe dọa liên quan đến căn bệnh sốt rét, cho dù đế chế khi Thành Cát Tư Hãn qua đời vẫn còn rất mạnh.
Chiến dịch chinh phạt châu Âu và thất bại
Sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, con trai là Oa Khoát Đài lên nắm quyền, mở chiến dịch xâm lược châu Âu từ năm 1236-1242. Đội quân Mông Cổ chọn đường qua phía đông nước Nga, chiếm các quốc gia vùng Baltic, tiến đến Budapest, Hungary và sông Danube vào tháng 12.1241. Từ Budapest, quân Mông Cổ tiến sâu vào nước Áo rồi đánh xuống phía nam, nhưng cuối cùng lại quay trở về phía đông ở vùng Balkan vào năm 1242.
Đại quân Mông Cổ đã từng tiến đến sông Danube nhưng rồi lại rút lui.
Đoàn quân Mông Cổ rút lui khi Oa Khoát Đài đột ngột qua đời, không một tướng lĩnh nào còn tâm trí để tiến sâu về phía tây nữa.
Cố thủ tướng Anh Winston Churchill từng viết: “Đã có lúc tưởng chừng như toàn châu Âu sẽ rơi vào tay người Mông Cổ từ phương Đông. Đội quân Mông Cổ cưỡi ngựa, bắn cung thành thạo tràn qua Nga, Ba Lan, Hungary vào năm 1241. Họ đánh bại người Đức và kỵ binh châu Âu gần Buda rồi đột ngột rút lui, Tây Âu đã may mắn thoát nạn”.
Điểm yếu của người Mông Cổ là họ không thể thích nghi với những vùng đất có điều kiện khí hậu nóng ẩm, với muỗi hoành hành. Mưa lớn khiến vùng đồng cỏ Magyar ở phía đông châu Âu thành một vùng đất đầm lầy, giống như một thiên đường của muỗi truyền bệnh sốt rét. Chính con muỗi đã giúp ngăn chặn quân Mông Cổ tràn chiếm phương Tây, "hút khô" giấc mơ chinh phục châu Âu của họ.
Mặc dù người Mông Cổ đã có một số thành công hạn chế trong quá trình xâm lược châu Âu, họ nhiều lần bị buộc phải rút lui khi đối mặt với bệnh sốt rét, các bệnh tật khác, và sự phòng thủ mạnh mẽ của liên minh các nước châu Âu. Người Mông Cổ không hề chú trọng tìm hiểu và nghiên cứu khoa học kỹ thuật, chỉ có thể sống dựa vào tự nhiên, không thể ngăn sự sinh sôi của loài muỗi.
Nhà sử học John Keegan, người từng nhiều năm tìm hiểu về Mông Cổ, nói: “Người Mông Cổ đã thất bại trong việc đưa sức mạnh quân sự từ vùng bán ôn đới và hoang mạc đến những vùng mưa lớn ở châu Âu và họ đã phải chấp nhận thất bại”.
Đến khi đế chế Mông Cổ lụi tàn năm 1368, muỗi và ký sinh trùng sốt rét vẫn được nhắc đến là một trong những nguyên nhân chính, bên cạnh sự chia rẽ và nội chiến trong hàng ngũ các bộ lạc Mông Cổ.
Trận thua được cho là duy nhất của Thành Cát Tư Hãn vẫn là một bí ẩn, thậm chí nhiều sử gia cho rằng đây là câu chuyện...