Cà Mau: Nuôi thập cẩm các loài con đặc sản, thu 500 triệu đồng/năm
Từ nhiều năm qua, nhờ thực hiện mô hình sản xuất đa canh kết hợp mà kinh tế gia đình anh Trịnh Hoàng Lâm, ở khóm 2, thị trấn U Minh, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) từng bước vươn lên thoát nghèo. Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liền, anh Lâm được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng Bằng khen nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và nhiều giấy khen khác của địa phương.
Sau nhiều năm sản xuất độc canh cây lúa, gia đình anh Trịnh Hoàng Lâm, ở khóm 2, thị trấn U Minh cũng như nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn huyện U Minh còn gặp nhiều khó khăn về đời sống.
Không cam chịu cảnh nghèo khó và với bản chất cần cù, chí thú làm ăn, anh Lâm thực hiện đạt hiệu quả kinh tế cao từ mô hình sản xuất đa canh kết hợp ngay trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình.
Anh Lâm lựa tôm vừa mới thu hoạch để chuẩn bị đem đi bán.
Với 4 ha đất sản xuất nông nghiệp, sau khi Nhà nước cho chuyển dịch cơ cấu sản xuất nuôi tôm trên đất cấy lúa, anh Lâm mạnh dạn đầu tư vốn, lên bờ bao, sên vét kênh mương để thực hiện mô hình sản xuất trồng lúa, nuôi tôm, cua, cá kết hợp. Trên diện tích đất sản xuất của gia đình, mỗi năm anh Lâm thả nuôi 4 vụ tôm, 2 vụ cua và cấy 1 vụ lúa mùa.
Anh Lâm còn tận dụng 3 cái ao sẵn có của gia đình để nuôi 1.000 con cá bống tượng, xây hồ nuôi khoảng 120 con cá sấu.Trên các liếp vườn, anh Lâm còn trồng cây ăn trái, hoa màu để góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Từ mô hình sản xuất này, trong 5 năm trở lại đây, năm nào gia đình anh Lâm cũng có thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng. Có năm, chăn nuôi trúng mùa, được giá gia đình anh Lâm có thu nhập trên 600 triệu đồng. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình anh Lâm ngày một khấm khá, vươn lên.
Anh Lâm cho biết: “Muốn thực hiện mô hình sản xuất đa canh kết hợp đạt hiệu quả cao, thì người nông dân phải chí thú làm ăn, không ngại khó khăn, gian khổ, siêng năng trong lao động sản xuất. Trong những ngày đầu thực hiện mô hình sản xuất đa canh kết hợp, tôi lao động gần như không nghỉ tay. Bản thân tôi cũng chịu khó đọc thêm sách báo, nghe đài, không ngừng tìm tòi, học hỏi cách làm hay, sáng tạo của những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi khác để làm kinh nghiệm cho chính mình. Những năm qua, nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, nên năm nào gia đình tôi cũng trúng mùa bội thu”.
Cá bống tượng của anh Lâm sắp đến ngày thu hoạch.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Lâm còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động. Anh sẵn sàng đóng góp nhiều ngày công lao động cùng với địa phương vệ sinh môi trường, trồng cây xanh làm hàng rào xanh trước nhà, dọc theo một số tuyến đường giao thông chính trên địa bàn thị trấn U Minh, làm cột cờ kiểu mẫu, chỉnh trang nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp...
Những việc làm này của anh Lâm nhằm góp thêm tiêu chí để thị trấn U Minh đủ điều kiện đạt chuẩn “đô thị văn minh” theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, anh Lâm còn sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật về chăn nuôi, sản xuất cho những nông dân trong khóm có nhu cầu phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Những việc làm của anh Lâm trong những năm qua đã được nhiều bà con nông dân trong khóm 2 và trên địa bàn thị trấn U Minh tin yêu và quý trọng.
Nhờ cần cù, chịu khó và chí thú làm ăn, giờ đây gia đình anh Trịnh Hoàng Lâm trở thành một trong những hộ nông dân khá giàu trên địa bàn thị trấn U Minh. Năm 2011 và năm 2013, anh Lâm được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng Bằng khen nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; năm 2010, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen “Hoàn thành xuất sắc cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và nhiều giấy khen khác của địa phương.
Anh Trịnh Hoàng Lâm thật sự là một tấm gương điển hình trong vượt khó, thoát nghèo và vươn lên làm giàu ở địa phương.