Cuộc sống của người Xê Đăng gắn liền với nương rẫy, thức ăn chủ yếu là sản vật từ rừng, sông suối. Dù bây giờ kinh tế đã khá, cuộc sống phát triển nhưng sản vật tự nhiên vẫn hiện hữu trong bữa ăn hàng ngày của họ.
Mỗi năm, sau khi đã xong vụ thu hoạch, lúa đã chất đầy sân, đồng bào Xê Đăng buôn Kon Hring (xã Ea Đing, huyện Cư Mgar, tỉnh Đak Lak) lại tíu tít cùng nhau chuẩn bị lễ mừng lúa mới. Đây là lễ hội được tổ chức thường niên. Các lễ vật để cúng trong lễ mừng lúa mới gồm: cơm lam, thịt heo, thịt chuột, thịt nướng ống tre, măng rừng, cà đắng… và những ché rượu cần được ủ từ hạt gạo chọn lọc của mùa vừa qua.
Thịt chuột đồng là một món ăn độc đáo của đồng bào Xê Đăng. Ảnh: D.Y.T.
Trong lễ hội mừng lúa mới của đồng bào vào đầu năm, khâu trang trí bày biện của buổi lễ cũng rất được chú trọng: giữa sân nhà văn hóa được dựng một cây nêu, xung quanh bày biện lễ vật tế là đầu heo và thịt chuột nướng. Dưới gốc cây nêu là các ché rượu cần.
Theo Trưởng thôn A Nít, đằng sau mỗi món ăn dâng lên cúng Yàng là một câu chuyện mang ý nghĩa đặc biệt. Ví như cơm lam được nấu từ những hạt gạo đầu tiên của vụ mùa để cảm ơn Yàng đã ban tặng cho bà con những điều tốt đẹp nhất. Còn đối với món thịt chuột nướng, người Xê Đăng bắt loài chuột thường phá hoại vụ mùa màng để dâng lên tế thần với mong muốn thần linh sẽ khiến chúng không còn quấy phá nữa.
Ông A Nít chia sẻ: Mỗi năm, dịp lễ mừng lúa mới, hầu hết khách đến buôn ai cũng thắc mắc về món thịt chuột đồng dâng cúng Yàng. Nhiều người lúc đầu ăn cảm thấy hơi sợ nhưng khi đã nếm thử cái vị ngọt, béo thì rất thích, có người còn hỏi cách chế biến.
Thịt chuột đồng cũng là một món ăn truyền thống trong bữa cơm của bà con. Khi những nương lúa chín vàng rực cũng là thời điểm người dân vào mùa săn chuột đồng. Họ quây ruộng lúa của mình lại, cắt hết lúa chín mang về, chuột sẽ không có chỗ trú nên chạy tán loạn và mắc lại trên những tấm lưới vây quanh, khi đó bắt chúng một cách dễ dàng. Một cách khác là đặt bẫy ở trước hang chuột trên bờ ruộng. |
Những chú chuột đồng do ăn lúa trên rẫy nên béo núc, thịt săn chắc. Sau khi bắt được chuột, người dân cuộn đống rơm khô rồi thui tại chỗ. Đây là bí quyết giữ cho thịt chuột thơm ngon nhất.
Với món thịt chuột đồng nướng, chuột sau khi được làm sạch thì xiên que đem nướng trên bếp than hồng cho mùi thơm dậy lên. Món này ăn kèm với một ít xoài rừng chua chua chấm qua chén muối tiêu ớt cay sè khiến thực khách say mê ngay lần đầu thưởng thức.
Món ăn dân dã này đã trở thành đặc sản mà du khách nào khi đến lễ hội cũng mong được một lần thưởng thức. Bên cạnh đó, thịt chuột đồng còn có cách chế biến khác, đó là chặt ra từng miếng vừa ăn rồi tẩm ướp với các gia vị, thêm ít rau dớn rừng, cho tất cả vào ống le rồi đem nướng trên bếp rơm, chỉ một lát là có món ăn thơm ngon đậm đà.
Đồng bào Xê Đăng ở tỉnh Kon Tum thì thường làm món chuột đồng gác bếp. Chuột làm sạch bỏ hết nội tạng, dàn rộng ra bằng bàn tay, xát thêm ít muối rồi đem gác bếp. Hơi nóng của bếp lửa giúp thịt chuột dần khô lại, sau 2 tuần thì có thể sử dụng được. Cách chế biến này cũng giúp bảo quản món ăn lâu hơn.
Mùa nào thức nấy, trong những chiếc gùi của người phụ nữ Xê Đăng sau một ngày lao động trên rẫy trở về đều có những “món quà của thiên nhiên”. Đó là nắm rau dớn mọc bên suối, đọt mây, măng le…, may mắn thì được con dúi, con chuột, sóc. Cứ vậy mà cuộc sống an hòa. |