Dân Việt

Chồng mất, vợ một chân nuôi con trong túp lều tạm bợ

Phạm Nga 09/09/2019 07:00 GMT+7
Có những đêm Ngọc Anh choàng dậy, rờ xuống chân phải của mình, bật khóc khi nhận ra nó đã không còn.

Đêm trước Hà Nội mưa giông, con đường nhỏ dẫn vào nơi ở của mẹ con Trần Ngọc Anh, 29 tuổi (ở Thanh Trì) đã ẩm thấp, lại thêm nhếch nhác. Đó là túp lều chừng 30m2 quây tôn, dựa vào tường nhà hàng xóm và mấy cây luồng.

Ngọc Anh ngồi bệt dưới sàn nhà lệt xệt nước, vớt con gà luộc trên bếp bày ra đĩa. Cô với tay đưa cho cu Tuấn đặt lên bàn thờ bố, đang để tạm trên nóc tủ lạnh.

"Chưa có bát nhang thì thắp hương thế nào hở mẹ?", cậu bé 11 tuổi hỏi. "Con đặt cây hương ngang đĩa trái cây rồi khấn bố là được", Ngọc Anh ngước đầu lên hướng dẫn. 

img

Một buổi đến trường, một buổi cậu bé Tuấn phụ mẹ gấp vàng mã để có thêm thu nhập. "Cô giáo bảo con tiếp thu chậm, nên đưa đi khám, nhưng tôi chưa có điều kiện", Ngọc Anh nói. Ảnh: Phạm Nga.

Vừa dựng "nhà" được một tháng, không thể đứng nên cô chưa nhờ được ai lập bát nhang cho chồng. Chồng cô qua đời đến nay tròn 3 năm. "Tôi tính chỉ làm quả trứng, bát cơm, nhưng giỗ ba năm, làm tử tế chút cho anh đỡ tủi thân", cô nghẹn giọng. 

Năm 2016, vợ chồng Ngọc Anh đều là nhân viên của xí nghiệp xe bus Liên Ninh (Thanh Trì). Một lần họ tan ca đêm thì bị xe tải đâm trúng. Chồng Ngọc Anh chết tại chỗ. Còn cô một bên chân bị cắt bỏ, một chân bị nạo hết cơ. 

Tỉnh dậy trong bệnh viện, biết chồng không còn, chân bị cưa, Ngọc Anh gào khóc, đòi theo anh. Nhưng cu Tuấn vào thăm, cứ níu lấy tay mẹ đang quẫn bách.

"Chủ xe thỉnh thoảng vẫn xuống thăm cu Tuấn. Vừa rồi, anh tặng con tôi một triệu đồng mua sách vở. Người ta được thế cũng là tử tế lắm rồi", cô nói.

Gần hai năm sau ngày chồng qua đời, ngôi nhà trước đây vợ chồng Ngọc Anh sống - do mẹ chồng đứng tên - phải bán. Từ đó, mẹ con cô thuê trọ một triệu đồng mỗi tháng để có chỗ ở. Dần dà, số tiền đền bù hơn 100 triệu đồng sau cái chết của anh Trịnh cũng đã cạn, khi Ngọc Anh thường xuyên đau yếu. Hơn một tháng nay, cô dựng túp lều ven đường ở tạm. Điện, nước dùng chung với hàng xóm.

"Mấy hôm trước mưa lớn, nước ngoài đường ngập đến đầu gối, tôi phải bảo con chạy sang xem nhà cô ấy có ngập không. May chỉ sát mép nhà, nếu không cô ấy làm sao lết đi được", chị Nguyên, hàng xóm của Ngọc Anh nói.

Nỗi sợ lớn nhất của người mẹ là ẩm thấp nhiều rắn rết. Mới sẩm tối hôm trước, hai mẹ con cầm que, ngồi canh chừng cả tiếng con rắn luẩn quẩn trước nhà.

Túp lều mẹ con Ngọc Anh đang ở thuộc dự án làm đường, nên ở cũng chỉ tạm một thời gian. "Chủ đầu tư đã yêu cầu phải di dời, nhưng địa phương có đề nghị họ thông cảm. Đường một thời gian dài nữa mới làm, mà giờ mẹ con cô ấy đi thuê trọ thì không biết lấy tiền đâu ra", ông Nguyễn Văn Sơn, trưởng thôn Yên Phú (Liên Ninh, Thanh Trì) cho biết.

Chồng là con riêng, nên từ ngày anh Trịnh mất, nhà nội hiếm khi thăm nom. Bà ngoại cũng không có điều kiện kinh tế nên chỉ thi thoảng mới ghé qua cho con gái bơ gạo, bó rau. "Tôi khuyên về sống cùng, nhưng nó bảo nhà còn chị dâu, còn các cháu. Nó không tiền bạc, không sức khỏe, sẽ thành gánh nặng cho mọi người", bà Ngần, mẹ Ngọc Anh, chia sẻ.

Trước tai nạn, gấp vàng mã là công việc phụ của Ngọc Anh khi nhàn rỗi nhưng bây giờ, nó là nguồn thu nhập chính. Mỗi ngày, cô kiếm được 30 - 40 nghìn đồng.

"Ăn uống tiết kiệm, chăm làm thì cũng đủ ăn. Còn khoản tiền trợ cấp khuyết tật hơn một triệu đồng, tôi để dành lo sách vở cho con", cô nói. 

Cả ngày Ngọc Anh quanh quẩn trong nhà, nỗi nhớ chồng càng quay quắt. "Ngày trước, mỗi lần anh đi làm về, tôi lại dang hai tay 'cho em ôm cái nào', rồi đu hai cánh tay lên vai anh ý", cô cười man mác.

Cô hay tần ngần khi thấy mọi người đi lại, chạy nhảy. Có lần, thèm đi quá, Ngọc Anh cũng thử dựa cửa đứng lên, nhưng lại ngã phịch xuống, khóc tu tu như đứa trẻ. "Tôi ước thà mình chưa từng biết đi, có lẽ đã không thấy thèm, thấy nhớ, thấy bất lực đến vậy", cô lạc giọng.

Nhiều hôm đau quá, Ngọc Anh phải bảo con trai đẩy đến bệnh viện cách nhà 2 km. Những lúc ấy, bất lực và thương con, người mẹ chỉ muốn buông xuôi.

Ngày giỗ chồng, Ngọc Anh định cùng con ra nghĩa trang thắp hương, nhưng mưa lớn, cô sợ con trai không đủ sức đẩy xe qua quãng đường sình lầy nên cứ do dự mãi. Cả buổi cu Tuấn sốt ruột nhìn ra cửa: "Mẹ ơi, sao trời mưa mãi thế"...

*Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại