Bệnh nhân đến khám và chỉ định xét nghiệm theo dõi thủy ngân.
Theo thông tin cập nhật từ Sở Y tế Hà Nội, hai điểm khám được tổ chức tại Trạm Y tế phường Hạ Đình và Trạm Y tế phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân).
Những bệnh nhân qua khám phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ hoặc cần theo dõi chẩn đoán tình trạng ngộ độc thủy ngân sẽ được viết giấy chuyển tuyến đến các bệnh viện đầu ngành của thành phố để xét nghiệm máu, nước tiểu.
Kết quả, sau 2 ngày đầu tiên, đã có 204 người dân đến khám sức khoẻ được chỉ định chuyển tới bệnh viện xét nghiệm, theo dõi chẩn đoán thủy ngân.
Qua quá trình tư vấn, khám sức khoẻ cho người dân chưa phát hiện các biểu hiện cấp tính bất thường.
Đến nay, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận 3 người bệnh tới theo dõi và điều trị, trong đó có 1 bệnh nhân đã xin về.
Bệnh viện Đa khoa Đống Đa tiếp nhận 6 người bệnh, trong đó có 3 bệnh nhân đã xin về. Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn thăm khám và làm xét nghiệm cho 3 người bệnh, cả 3 cũng đã xin về.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, chương trình khám, tư vấn sức khỏe miễn phí này sẽ kéo dài đến hết ngày 12/9. Hiện tại, người dân trong khu vực chủ động đến khám đều hợp tác tốt với nhân viên y tế, không có ý kiến gì.
Chia sẻ với PV, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai. BS Nguyên, qua phân tích, trong sản xuất bóng đèn huỳnh quang có sử dụng một lượng thủy ngân nhất định. Bình thường nguy cơ gây nhiễm độc thủy ngân từ bóng đèn rất thấp, kể cả khi bóng đèn vỡ ra. Tuy vậy, trong điều kiện nhiệt độ nóng của vụ cháy, thủy ngân có thể bốc hơi vào không khí, hít vào rất nguy hiểm.
Việc người dân sống xung quanh khu vực xảy ra đám cháy hoặc hít phải khí độc của đám cháy có bị ngộ độc thủy ngân hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là nồng độ thủy ngân bị nhiễm độc; thời gian tiếp xúc với khí độc; hay các yếu tố khác như người ở gần khu vực đám cháy nhưng thuận chiều gió hay xuôi chiều gió; độ tuổi của nạn nhân; hoạt động tiếp cận vụ cháy của nạn nhân…
“Vì thế chúng ta không thể khẳng định được tất cả những người sống trong khu vực xảy ra đám cháy đều nhiễm độc, nguy cơ cao hay thấp tùy thuộc vào nhiều yếu tố” – bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, liên quan đến vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, những người có nguy cơ cao, cần đi kiểm tra sức khỏe là: những người trực tiếp tham gia trong thời điểm xảy ra đám cháy như công nhân nhà máy, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, nhà báo tiếp xúc với đám cháy…
Ngoài ra, những người sống gần khu vực xảy ra cháy có biểu hiện như đau ngực, nôn, tiêu chảy, hoặc các triệu chứng đáng kể khác. Những người ở khoảng cách xa vụ cháy, thì nguy cơ thấp hơn.
(NLĐO)- Sau khi vụ cháy Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người...