Dân Việt

Khép chuỗi giá trị, mãng cầu Tây Ninh kì vọng cho thu nhập nghìn tỉ

Nguyên Vỹ 10/09/2019 18:30 GMT+7
Mãng cầu cho hiệu quả cao nhất trong các loại cây ăn trái trồng truyền thống nhưng hạn chế khả năng mở rộng diện tích. Khép kín chuỗi giá trị mãng cầu ở Tây Ninh là cách tối ưu giúp nông dân trồng mãng cầu tăng thêm lợi nhuận.

Theo thống kê, diện tích sản xuất mãng cầu ở Tây Ninh khoảng hơn 4.700ha, tạo ra hơn 5.000 việc làm, tỉ lệ 0,9ha/người. Đây là tỷ lệ thấp nhất nhưng lại cho lợi nhuận 169 triệu đồng/ha, cao nhất trong các cây ăn trái trồng truyền thống đã có vị trí ở tỉnh Tây Ninh.

Khó mở rộng diện tích

img

Mãng cầu cho hiệu quả cao nhất trong các loại cây ăn trái trồng truyền thống.  Ảnh: N.V

Ước đến năm 2030, mãng cầu sẽ mang lại giá trị gia tăng là 1.362 tỷ đồng và tạo ra công ăn việc làm cho 6.600 người lao động trong tỉnh, góp phần đảm bảo được các chính sách an sinh - xã hội.

Thực tế, mãng cầu là loại sản phẩm đầu tiên được xây dựng chỉ dẫn địa lý. Vì khả năng mang lại giá trị gia tăng cao nên nhiều nông dân muốn mở rộng diện tích và các doanh nghiệp đã có ý định đầu tư bài bản.

Ông Huỳnh Biển Chiêu - nông dân trồng mãng cầu ở TP.Tây Ninh cho biết, mãng cầu là một trong những trái cây đặc sản và chủ lực của tỉnh do có giá trị dinh dưỡng và đáp ứng được thị hiếu. Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm ở khu vực núi Bà Đen cũng như giữa các mùa trong năm khá ổn định, tạo thuận lợi cho việc phát triển cây mãng cầu. Nhất là loại đất trồng quanh chân núi Bà Đen cho mãng cầu hương vị đặc trưng, khác hẳn các vùng trồng khác.

Đến nay, Tây Ninh vẫn là tỉnh có diện tích trồng mãng cầu lớn nhất nước. Nhờ làm chủ được mùa vụ nên sản lượng mãng cầu hầu như có quanh năm. Đây là điều kiện có thể chi phối giá và thị trường tiêu thụ, tạo nên chất lượng và uy tín cho nhãn hiệu mãng cầu Bà Đen.

Tuy nhiên, do đặc điểm thổ nhưỡng nên khả năng mở rộng diện tích không cao. Chỉ có khu vực xung quanh núi Bà Đen là phù hợp với cây trồng này và cho ra chất lượng khác biệt, trong khi mãng cầu trồng ở các vùng khác có tính thích nghi thấp. Hiện nay, diện tích mãng cầu toàn tỉnh có tăng nhẹ, một phần do nhu cầu chuyển đổi từ cao su, mì sang. Tuy nhiên, định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh dự kiến đến năm 2030 cũng chỉ tăng lên khoảng 6.000ha.

Khép chuỗi giá trị

Phần lớn mãng cầu ở Tây Ninh sau thu hoạch được vận chuyển đi TP.HCM và các tỉnh lân cận. Thị trường trong tỉnh chỉ giữ lại một phần hoặc một số ít cung cấp theo hợp đồng cho siêu thị. Tuy được đánh giá khá đồng đều ở khả năng áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhưng đầu ra và tiêu chuẩn an toàn cho mãng cầu Tây Ninh còn khá nhiều hạn chế. Việc tiêu thụ hiện nay chủ yếu là qua thương lái. Sự đồng nhất về chất lượng cũng như tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm vì thế chưa đảm bảo.

“Lượng hàng vào được các chuỗi cung ứng hay thị trường khó tính của nội địa chưa nhiều. Trên đồng ruộng, sự liên kết trong sản xuất còn yếu nên giá cả thị trường dễ biến động do sự thay đổi về cung cầu trong năm” - ông Huỳnh Biển Chiêu nói.

Bên cạnh đó, nhiều nông dân chưa hiểu được tầm quan trọng của việc sản xuất theo quy trình VietGAP hay GlobalGAP. Thậm chí nhiều nông dân đã được cấp chứng nhận VietGAP rồi nhưng đến hạn lại không thiết tha tái đăng ký chứng nhận.

Theo anh Trần Trung Kiên - Tổ trưởng Tổ hợp tác mãng cầu Suối Đá (huyện Dương Minh Châu), nguyên nhân chủ yếu do giá mãng cầu VietGAP bán ra không khác gì mãng cầu sản xuất theo kiểu truyền thống.

Theo ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh, do mãng cầu chỉ trồng đạt năng suất và chất lượng ở khu vực ven chân núi Bà Đen nên cần tăng diện tích mãng cầu có áp dụng các quy trình GAP, để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Việc tập trung chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, đưa được mãng cầu vào các chuỗi tiêu thụ vẫn là nỗ lực và định hướng chung của Tây Ninh. Ngoài tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết để cân đối cung cầu trên thị trường nội địa, việc khép chuỗi và phát triển cụm ngành sẽ giúp cây mãng cầu có giá trị gia tăng cao hơn.