Chùa Chén Kiểu ở Sóc Trăng có tuổi đời khoảng 200 năm.
Mang nét văn hóa đặc trưng một ngôi chùa Khmer
Năm 1815, ngôi chùa Wath Sro Loun (Sà Lôn) được dựng lên bằng những nguyên liệu là cây cối đơn sơ. Tên ngôi chùa được lấy từ tên con rạch nhỏ mang nước tưới tiêu nuôi sống ruộng đồng người dân gần đó là Chro Luong.
Đến năm 1969, trụ trì thứ 9 là Tăng Đuch cho xây dựng lại ngôi chùa khang trang hơn với kiến trúc chuẩn người Khmer: Chánh điện, Sala, khu bảo tháp, nhà Tăng, thư viện kinh kệ... nhưng lúc ấy lại thiếu kinh phí để hoàn chỉnh ngôi chùa. Vị sư trụ trì đã kêu gọi người dân đến quyên góp cho chùa những chiếc chén kiểu để trang trí phần chánh điện và một số kiến trúc khác của chùa. Cái tên dân gian chùa Chén Kiểu cũng từ đó mà ra.
Hoa văn được ốp trên tường chùa Chén Kiểu.
Chùa chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca (một nét riêng của các ngôi chùa Khmer tại miền Nam). Nơi đây có khoảng hơn 20 tượng Phật Thích Ca kích cỡ lớn nhỏ khác nhau, đến những tư thế từ đứng, ngồi, nằm của các tượng. Đặc biệt, tất cả tượng Phật đều có điểm chung là hướng về phía Đông để ban phúc lành cho toàn thể tín đồ.
Khuôn viên chùa Chén Kiểu.
Riêng chánh điện có 16 hàng cột chống đỡ, với những hình ảnh kể về cuộc đời Phật Thích Ca từ khi sinh ra đến lúc nhập niết bàn thành Phật. Trên mỗi góc nhọn chùa đều mô tả hình tượng rắn Nagar tinh xảo.
Giữa sân chùa có hình tượng rắn Nagar 5 đầu sặc sỡ che nắng cho tượng Phật Thích Ca. Ngoài biểu tượng rắn Nagar ở chùa Chén Kiểu còn có tượng các tiên nữ, thần Krud, thần sư tử... những vị thần đặc trưng văn hóa Khmer Nam Bộ.
Phòng trưng bày chùa Chén Kiểu. Ảnh: Huỳnh Hiếu
Kỳ lạ hai chiếc giường của công tử Bạc Liêu
Theo lời đồn, tôi đã đến chùa Chén Kiểu để tận mắt chứng kiến hai chiếc giường kỳ lạ của công tử Bạc Liêu đang lưu giữ ở nơi đây.
Theo lời đồn, hai chiếc giường này có giá trị cả chục tỷ đồng, một chiếc giường dành cho mùa nóng (mặt đá cẩm thạch), một chiếc giường dành cho mùa mưa (mặt bằng gỗ giáng hương).
Chất liệu hai giường đều bằng gỗ sưa, xung quanh khảm xà cừ với hoa văn tinh xảo. Nghe nói, trước đây công tử Bạc Liêu (tên thật là ông Trần Trinh Huy) đều thuê thợ tốt nhất làm ở Trung Quốc rồi mang về Việt Nam.
Tương truyền khoảng năm 1945, nhận thấy tình hình đất nước bất ổn, công tử Bạc Liêu đã cho di chuyển đồ đạc từ căn nhà lớn (ngay trung tâm thành phố Bạc Liêu ngày nay) sang nhà lầu ở Bàu Sàng - Vĩnh Lợi. Về sau tá điền lập mưu trộm cắp tài sản rồi tẩu tán chúng đi khắp nơi.
Chiếc giường mùa hè của công tử Bạc Liêu có mặt đá cẩm thạch. Ảnh: Huỳnh Hiếu
Sau khi đánh cắp những vật dụng nhà công tử Bạc Liêu, những tá điền đã bán cho các phú hộ giàu có khác. Tuy vậy, những chủ nhân chiếc giường sau khi sang tay nhau đều gặp một bất hạnh kỳ lạ nào đó. Họ gặp những tai nạn bất ngờ, chuyện kinh doanh lụn bại nhanh chóng.
Từ đó người ta cho rằng những chiếc giường đã bị "ếm". Sau đó, chiếc giường dần sang tay nhiều chủ nhân. Cuối cùng, chùa Chén Kiểu đã mua lại chiếc giường này năm 1947. Nhiều người cho rằng, chiếc giường kỳ lạ đó chỉ ở trong một ngôi chùa linh thiêng bật nhất ở xứ sở Sóc Trăng mới có thể “trấn” được nó.
Cũng có một tin đồn khác là chính công tử Bạc Liêu đã tặng hai chiếc giường này cho chùa Chén Kiểu. Đặc biệt hai chiếc giường đều được lót bằng gỗ giáng hương, một loại gỗ lưu giữ mùi thơm thoang thoảng quanh năm.
Thầy trụ trì hiện nay của chùa là thầy Kim Hoàng Hưng, đã xác nhận rằng chiếc giường công tử Bạc Liêu hoàn toàn không bị “ếm” như lời đồn. Hai chiếc giường hiện tại là tài sản vô giá tại chùa và nhà chùa không có ý định bán với bất cứ giá nào.