Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) Nguyễn Thanh Tuyến, 17/17 xã, thị trấn đã gửi kế hoạch/thông báo sản xuất và xả lũ vụ thu đông có điều tiết phù hợp, đảm bảo sản xuất, an toàn cho người dân. Trước đó, để đạt sự đồng thuận trong nhân dân, UBND huyện đã giao các xã phối hợp cán bộ chuyên môn huyện tổ chức họp dân, tuyên truyền rõ mục đích, lợi ích của chủ trương.
Cống kiểm soát lũ mở cửa đón nước vào đồng ruộng.
Đặc biệt lưu ý về thời gian, nơi xả lũ cụ thể để người dân hợp tác thực hiện đồng nhất, xử lý đồng ruộng trước khi xả lũ. Vụ thu đông này, toàn huyện sẽ sản xuất tập trung ở 11 tiểu vùng, với diện tích khoảng 11.286ha, xả lũ 10 tiểu vùng, diện tích 12.441ha. Hiện nay, đã có 6/10 tiểu vùng xả lũ gồm: nam Phú Bình, đông sườn Phú Thạnh, tây sườn Phú Thạnh, đông - tây Cái Mây, tây sườn Phú Thọ và đông Trường học, tổng diện tích trên 3.300ha. Còn lại 4 vùng chưa xả lũ là: đông sườn Phú An, đông sườn Phú Thọ, bắc nam Bảy Bụng và bắc Phú Bình.
Bốn vùng chưa xả lũ do bà con chưa thu hoạch dứt điểm lúa, nếp hè thu. Các địa phương đã thông báo đến người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi tiến hành thu hoạch để toàn bộ diện tích các tiểu vùng đón nước lũ kịp thời theo đúng tiến độ.
Do diện tích sản xuất giảm hơn 3.200ha so năm 2018, huyện đồng thời ra phương án bù trừ từ các nguồn phát triển mới thủy sản, thu xen canh thủy sản, cây ăn trái. Các vùng xả lũ của huyện đều nằm trong vùng Bắc Vàm Nao kiểm soát lũ triệt để, đảm bảo chủ động xả hoặc chống lũ theo kế hoạch sản xuất của địa phương.
Đến xã Hiệp Xương, thời điểm này đã có thể đứng trên đê nhìn rõ những cánh đồng giáp ranh nhau được bao phủ mênh mông nước. Hai tiểu vùng xả lũ ở Hiệp Xương là bắc nam Bảy Bụng và đông - tây rạch Cái Mây. Nước lũ về mang theo lượng thủy sản giúp người dân có cơ hội mưu sinh, tận dụng khai thác các sản vật trong tự nhiên. |
Dù mực nước chưa cao nhưng đã xuất hiện nhiều người bơi xuồng đi vớt ốc, thăm dớn, giăng lưới, thu hoạch một số loại rau dại thủy sinh…Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Xương Nguyễn Thanh Sang cho hay, dù năm nay lũ về muộn so với trung bình hàng năm nhưng hiện tại nước đã vào đồng ruộng ngập huốt gốc rạ, đảm bảo xả lũ đạt theo yêu cầu.
Bà con rất phấn khởi, hy vọng vụ đông xuân tới sẽ bội thu khi xem xét lũ diễn ra tương đối “đẹp”, lượng phù sa nhiều, đặc biệt đồng tình với chủ trương của huyện cho đất nghỉ ngơi, điều chỉnh lại thời vụ, mong việc xả lũ đảm bảo được quá trình sản xuất, tẩy rửa đồng ruộng, cải tạo môi trường đất, hạn chế sâu bệnh.
Ông Nguyễn Văn Lâm, ngụ ấp Hiệp Hưng bày tỏ: “Nông dân chúng tôi rất phấn khởi khi thấy nước lũ về, vì liên tiếp 3 năm sản xuất 8 vụ không đạt hiệu quả lắm, thêm nữa sâu bệnh như mò, rầy, chuột phát sinh rất nhiều. Năm nay tuy nước về muộn nhưng dồi dào lượng phù sa, thăm dò đất rất mịn chính là điều bà con đang mong đợi”.
Tại xã Phú Thành, tiểu vùng tây sườn Phú Thạnh xả lũ diện tích khoảng 1.000ha. Phó Chủ tịch UBND xã Phan Văn Quý thông tin, vụ hè thu năm nay giá nếp tăng cao (6.400-6.800 đồng/kg), lại thấy lũ về khá muộn nên trước khi thực hiện xả lũ, một số bà con có nguyện vọng tiếp tục sản xuất vụ thu đông.
Qua triển khai, vận động từ các ngành chuyên môn của huyện và địa phương, bà con thấy được những lợi ích của chủ trương mới nên đã đồng tình ủng hộ. Tâm tư được tháo gỡ, nông dân rất mong việc sắp xếp lại lịch thời vụ, cải tạo đất, đưa vụ đông xuân trở lại chính vụ sẽ đem lại kết quả khấm khá.
Cùng quan điểm này, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thạnh (xã Phú Thạnh) Trần Văn Lô Ba chia sẻ: “Tôi rất đồng tình với chủ trương xả lũ và thực hiện kế hoạch sản xuất “2 năm, 5 vụ” của huyện. Bởi, thời gian qua sản xuất kéo dài khiến đất đai cằn cỗi, bạc màu, nông dân buộc lòng bón phân, thuốc hóa học ngày càng nhiều để “ép” cây lúa đạt năng suất. Việc làm này kéo dài ảnh hưởng đến vấn đề môi trường rất lớn, liên đới tác hại cả sức khỏe con người. Chủ trương năm nay rất phù hợp tình hình thực tế của hợp tác xã chúng tôi nói riêng và của bà con trên địa bàn huyện nói chung”.