Theo thông tin của đài KBS (Hàn Quốc), trong số 14 mẫu tôm mà đài KBS uỷ thác cho cơ quan kiểm dịch, có 1 mẫu tôm phát hiện virus gây bệnh đốm trắng. Trong số 7 mẫu tôm đông lạnh mà Cơ quan Cảnh sát thu được từ kho đông lạnh ở thnahf phố Seongnam và Busan, có 4 mẫu cũng phát hiện virus tương tự.
KBS đã uỷ thác thêm cho cơ quan chuyên môn của Úc (GENICS) 44 mẫu kiểm tra. Cơ quan này còn phát hiện thêm 22 mẫu nhiễm 4 loại virus, trong đó có virus gây bệnh đốm trắng, virus gây hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan tạo lập biểu mô trên tôm.
Những virus trên có thể dẫn tới hiện tượng chết hàng loạt cho các loài giáp xác như tôm, gây thiệt hại lớn cho các trang trại nuôi trồng thuỷ sản.
Được biết, Cơ quan kiểm dịch Hàn Quốc đã bắt đầu tiền hành kiểm dịch tôm đông lạnh từ tháng 4/2018, số lượng lên tới 31.000 tấn tôm đông lạnh nhập khẩu. Trong đó, có 800 tấn (3%) bị kết luận là không đảm bảo. Tuy nhiên, khi tái kiểm tra với tôm đông lạnh đã được kiểm dịch, lại phát hiện 10% có virus gây bệnh đốm trắng.
Hàn Quốc là thị trường đứng thứ 5 về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm 10,9% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam. Ảnh minh hoạ: I.T
Ngày 26/8/2019, sau kết quả tác nghiệp của KBS, Viện Quản lý chất lượng thuỷ sản Quốc gia Hàn Quốc, cơ quan phụ trách kiểm dịch, đã gửi thư cho phía Việt Nam đề nghị siết chặt kiểm dịch xuất khẩu. Trong khi đó, phía cảnh sát đã ban lệnh cấm đối với một doanh nghiệp nhập khẩu thuỷ sản.
Theo tìm hiểu của PV, doanh nghiệp được nhắc tới trong trường hợp này là Công ty TNHH chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Trang Khanh (phường 5, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).
Ngày 11/9, trao đổi với PV báo DANVIET qua điện thoại, ông Trần Tuấn Khanh - Giám đốc Công ty cho biết, đúng là công ty có lô hàng tôm bị phía cơ quan chức năng Hàn Quốc trả về vì nhiễm virus gây bệnh đốm trắng ở tôm. Thực tế, đây là lô hàng đã xuất khẩu sang Hàn Quốc từ năm 2018, thời điểm đó họ chưa kiểm dịch virus bệnh đốm trắng đầu vàng trên tôm.
"Hiện nay trên thế giới mới chỉ có 2 nước là Hàn Quốc và Australia kiểm tra đối với virus đốm trắng và đầu vàng trong tôm tươi xuất khẩu của Việt Nam, trong khi thị trường châu Âu, hay Mỹ không kiểm tra đốm trắng đầu vàng. Lâu nay xuất khẩu tôm, hầu hết các nước chỉ kiểm tra dư lượng kháng sinh, vi sinh. Hàng của chúng tôi luôn đảm bảo nên đã được xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó 50% sản lượng là đi Hàn Quốc", ông Khanh nói.
Cũng theo ông Khanh, khoảng 2 năm gần đây, Cơ quan kiểm dịch của Hàn Quốc mới tiến hành kiểm tra đối với virus đốm trắng và đầu vàng trên tôm. Mục đích của họ là gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam, không muốn tôm Việt Nam nhập vào thị trường của họ. Giống như trước đó, Australia cũng đã thắt chặt quy trình nhập khẩu tôm đông lạnh từ Việt Nam.
Cụ thể, Chính phủ Australia lấy lí do bảo vệ nuôi tôm trong nước nên đã áp dụng hàng rào kĩ thuật: Cho phép Cơ quan kiểm tra và kiểm dịch Australia kiểm tra đối với virus đốm trắng và đầu vàng trong tôm tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Australia. Nếu kết quả dương tính (ngưỡng 0%) sẽ không được nhập vào thị trường này.
Điều đáng chú ý là Cơ quan kiểm dịch của Australia kiểm tra ADN của virus, tức là dù virus đã chết, chỉ còn lại xác thì vẫn bị coi là dương tính và bị trả hàng về. Phương pháp này rất ít phòng thí nghiệm của Việt Nam có thể làm được và do vậy, đến nay doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức để có thể xuất khẩu tôm tươi vào Australia.
"Biện pháp kiểm dịch virus đốm trắng, đầu vàng trên tôm đối với lô hàng từ đầu năm 2018 không khác gì cố tình gây khó cho con tôm Việt Nam. Nếu bị nhiễm kháng sinh, họ sẽ tiêu hủy và cấm nhập luôn, đấy là chuyện bình thường. Còn thực tế hiện nay, tôm của chúng tôi vẫn xuất khẩu sang Hàn Quốc, vì chúng tôi đã kiểm soát được virus đốm trắng", ông Khanh cho biết.