Dân Việt

Gia Lai: Dân trồng bí đỏ lại khóc đỏ mắt vì mất mùa, mất giá

Lê Kiến 12/09/2019 13:37 GMT+7
Trồng bí đỏ gặp nắng và mưa kéo dài khiến nhiều nông dân ở thủ phủ hồ tiêu Chư Pứh lỗ nặng: Không chỉ giảm năng suất từ 50-80%, giá bán xô chỉ đạt 1.500-3.000 đồng/kg.

Mất mùa, mất giá

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Long Khánh – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pứh cho biết: “Năm nay, nông dân trồng bí đỏ trên địa bàn huyện bị thiệt hại nặng do mất năng suất, cây trồng giảm sản lượng 50%. Không chỉ mất mùa, giá bí đỏ đầu vụ từ 7.000-8.000 đồng/kg, nay còn khoảng 3.500-4.000 đồng/kg. Vụ này, toàn huyện trồng hơn 200ha, chủ yếu tập trung ở các xã Ia Phang, Ia Le, Ia Blứ”.

Theo ông Khánh, nguyên nhân khiến cây bí đỏ mất mùa, giảm năng suất nghiêm trọng là do bị nắng hạn, một số nơi cây trồng bị nhiệm bệnh. Qua nắm bắt thông tin ban đầu từ người dân, phòng chưa nhận được phản ánh nào về cây giống kém chất lượng. Nếu cây trồng đạt năng suất, trùng bình 1ha thu khoảng 15-16 tấn/ha, nay chỉ thu được một nửa. Với giá như hiện tại, nông dân chỉ lo huề vốn.

img

Chị Rlan Tí ở xã Ia Phang lỗ nặng vì  trồng 5 sào bí nhưng chỉ thu được 1 tấn, trong khi chi phí đầu tư không dưới 5 triệu đồng.

Xã Ia Phang lâu nay được biết đến là vựa bí đỏ của tỉnh Gia Lai, vào mùa luôn tấp nập cảnh mua bán nhưng nay lại vắng tanh. Ông Trần Minh Lanh – chủ 1 cơ sở thu mua bí đỏ ở thôn Hòa Thành (xã Ia Phang) cho hay: “Mọi năm tôi thu mua vài nghìn tấn/vụ là chuyện bình thường, còn năm nay không có hàng để mua. Từ khi vụ thu hoạch bắt đầu, tôi chỉ mua được hơn 100 tấn. Không chỉ vậy, chất lượng bí năm nay rất thấp, lượng bí có cân nặng từ 5-7kg/quả rất ít, chủ yếu là 3kg đổ lại. Do vậy, bí loại tốt mới được mua giá cao 6.000 đồng/kg, còn lại mua xô giá từ 1.500-3.000 đồng/kg”.

Theo ông Trần Hoàng - Chủ tịch UBND xã Ia Phang, nguyên nhân chính dẫn đến mất mùa là do nắng hạn kéo dài, ngoài ra một số hộ còn phản ánh là mua phải giống không đạt chất lượng.

Nông dân khóc ròng vì lỗ nặng

Tại 1 cơ sở thu mua bí ở xã Ia Phang, vợ chồng anh Siu Rươm và Rlan Ti (làng Tao, xã Ia Phang) cầm tiền trên tay sau khi bán bí xong nhưng mặt rầu như muốn khóc. Anh Rươm bảo: “Nhà mình trồng 5 sào nhưng chỉ thu được 1 tấn bí trong khi đầu tư giống, chăm sóc, phân bón đã 5 triệu đồng. Bán bí xong không có lời, mà còn lỗ”.

Tương tự, ông Lê Viết Hiền (xã Ia Phang) cũng cho biết, ông trồng bí từ tháng 5 được 5 sào bí, nhưng nay mới thu được 1 tạ. Hiện trên rẫy ông vẫn còn nhưng ông không mặn mà đi hái vì còn toàn bí nhỏ không đạt chuẩn, thu về chỉ lỗ tiền công. Nếu tận thu, cả vườn chỉ bán được khoảng 400.000 đồng, trong khi chi phí bỏ ra đã 5 triệu đồng. Mọi năm, với diện tích này ông thu được khoảng 7 tấn.

img

Vườn bí của ông Lê Viết Hiền, xã Ia Phang vẫn còn trên đồng nhưng không muốn thu hoạch vì sợ bán không đủ trả tiền thuê nhân công.

Tại xã Ia Le, đến thời điểm này chính quyền địa phương vẫn cho cán bộ đi kiểm tra, thống kê thiệt hại từ người dân. Tuy chưa có kết quả cụ thể nhưng việc cây trồng giảm năng suất là điều đã chắc chắn. Theo ông Đoàn Sinh – Trường thôn Phú Hòa cho biết: “Năm nay, người dân trong thôn chỉ trồng khoảng 20ha bí đỏ nhưng có đến 70-80% diện tích giảm năng suất, thậm chí có hộ mất trắng. So với dân ở xã Ia Phang trồng sớm gặp hạn, bà con nơi đây trồng muộn lại gặp mưa khiến cây bí không đậu quả dẫn đến mất mùa. Làm nông mà thu hoạch được 20-30% thì chẳng khác nào bị mất trắng, một số hộ tiếc của cắn răng lên rẫy thu hoạch để vớt vác từng đồng”.

Theo ông Nguyễn Long Khánh - Phó Phòng NNPTNT huyện Chư Pứh: “Tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” lâu nay vẫn diễn ra nhưng giải pháp cụ thể để khắc phục thì rất khó. Hiện tại, huyện xây dựng bản đồ thổ nhưỡng nhằm định hướng người dân trồng cây phù hợp chứ không có quy định bắt buộc. Bên cạnh đó, huyện cũng đã liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra cho nông sản, tuy nhiên chưa có sự ổn định lâu dài”.