Dân Việt

Người làm “visa” đưa chè hữu cơ Bắc Hà "bay" vào trời Âu

Chu Khôi 13/09/2019 05:50 GMT+7
Năm 2019, sản phẩm chè hữu cơ Bắc Hà do HTX Chè Bản Liền ở xã Bản Liền (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) sản xuất được Hội đồng OCOP Trung ương cấp chứng nhận đạt OCOP hạng 5 sao. Hiện, 90% sản lượng chè của HTX đã được xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… với giá bán 100USD/kg. Người có công làm nên “kỳ tích” là anh Phạm Quang Thận - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX.

Doanh nghiệp xây nhà máy, nhưng… bỏ cuộc

Đến UBND huyện Bắc Hà được nghe ông  Nguyễn Quốc Huy - Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà tự hào kể cho chúng tôi nghe về sản phẩm chè Bản Liền. “Với độ cao 800 - 1.000m so với mực nước biển, huyện Bắc Hà hiện có 765ha cây chè Shan cổ thụ có tuổi đời 100-200 năm, đây là 1 trong 5 vùng chè Shan rừng lớn nhất Việt Nam. Ấy vậy mà, cách đây hơn 15 năm trở về trước, người dân địa phương không thể sống nổi với cây chè” - ông Huy nói.

img

 Người Tày, người Mông thu hái chè trên những cây chè Shan cổ thụ ở Bản Liền

img

Ông Phạm Quang Thận.  Ảnh: C.K

"Năm 2018, xã Bản Liền có 12% số hộ dân thoát nghèo. Năm 2019, xã phấn đấu tiếp 10% hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn khoảng 30%. Để đạt được mục tiêu đó, đã có nhiều hướng phát triển kinh tế được vạch ra, trong đó khai thác và nâng cao giá trị của cây chè hữu cơ là một trong những giải pháp hiệu quả và bền vững”.

Ông Giàng Seo De  -
Chủ tịch UBND xã Bản Liền

Ông Huy kể, vào cuối năm 2004, Công ty TNHH Hiệp Thành đặt vấn đề xây dựng nhà máy chế biến chè tại xã Bản Liền, để thu mua chè búp tươi từ nông dân trong xã, chế biến rồi tiêu thụ. Khi ấy, lãnh đạo tỉnh, huyện đều rất mừng. Một nhà máy chế biến chè được Công ty TNHH Hiệp Thành xây dựng rất nhanh. Nhưng khi đó Công ty TNHH Hiệp Thành không lường được những khó khăn đang chờ trước mắt. Nhà máy không có điện lưới (đến 2011 điện lưới quốc gia mới vào đến Bản Liền), phần lớn thời gian xe tải không vào được Bản Liền do bị sụt lở. Sản phẩm chè sản xuất ra rất khó tiêu thụ, chỉ bán tại thị trường trong nước giá rất thấp.

Năm 2006, Công ty TNHH Hiệp Thành xin “rút rui” khỏi Bắc Hà, buộc lòng chính quyền phải vận động nông dân thành lập HTX để lo khâu tiêu thụ sản phẩm chè. HTX Chè Bản Liền ra đời. Lúc đó, một cán bộ kỹ thuật ở nhà máy chế biến chè của Công ty TNHH Hiệp Thành tên là Phạm Quang Thận đã tình nguyện ở lại, “chung lưng đấu cật” với những người Dao, Tày, Nùng để vực dậy cây chè.

Tình nguyện ở lại làm nông dân

Gặp anh Phạm Quang Thận - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Chè Bản Liền PV được anh chia sẻ: “Tôi sinh ra ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, gia đình bố mẹ sinh sống bằng nghề trồng chè. Lần đầu đặt chân tới Bản Liền vào năm 2006, trong tôi dâng trào một cảm xúc khó tả. Các căn nhà trên bản làng hầu hết chỉ làm bằng tranh tre vách đất, nhìn rất xiêu vẹo, khốn khổ. Những điều này đã thôi thúc tôi phải tìm cách phát triển kinh tế cho người dân, nên khi công ty “rút hết quân về”, tôi quyết định ở lại”.

Tại thời điểm đó, Bản Liền chưa có chợ, chưa có điện lưới quốc gia; 100% dân cư là người dân tộc thiểu số, có trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu.

“Tuy bà con gọi tôi là cán bộ, nhưng họ không tin lời tôi nói. Tôi đi vẽ sơ đồ vùng lúa và vùng chè, bà con ngăn cản vì sợ tôi thu ruộng của họ. Tôi vận động bà con tham gia các tổ nhóm hợp tác, bà con không chịu vì sợ phải nộp nhiều tiền. Tôi đã phải xin đến ở tại nhà ông chủ nhiệm cũ để tạo niềm tin cho bà con. Tôi đưa vợ con lên, xin đất để canh tác, cả gia đình cùng trồng chè. Dần dần tôi tạo được niềm tin với bà con” - anh Thận nói.

Năm 2009, anh Thận được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HTX Chè Bản Liền. Với nhiệm vụ mới, được toàn quyền điều hành HTX Chè Bản Liền, anh Thận đã chủ động và tích cực phối hợp với Công ty TNHH Liên kết sinh thái Việt Nam làm các thủ tục đăng ký sản phẩm hữu cơ và tham gia tổ chức thương mại công bằng đối với sản phẩm chè Shan của HTX Chè Bản Liền.

Xuất khẩu chè với giá 100USD/kg

Đến nay, HTX Chè Bản Liền đã quy tụ được 310 thành viên là các hộ xã viên tham gia trực tiếp vào quá trình trồng chè hữu cơ.

Anh Thận lấy trong tủ ra những giấy tờ chứng nhận do các tổ chức quốc tế công nhận cho sản phẩm chè Bản Liền, khoe: “Đây là những tấm “visa” đưa sản phẩm chè Bản Liền thâm nhập thị trường châu Âu. “Để có những tấm “visa” này là cả sự nỗ lực của chính quyền, người dân, doanh nghiệp và HTX. Chúng tôi phải tuân thủ đầy đủ 25 tiêu chuẩn ngặt nghèo do các tổ chức quốc tế quy định. Về cơ bản, sản phẩm chè Bản Liền được canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi hộ trồng chè đều có mã số, sổ sách ghi chép và chúng tôi kiểm tra ngẫu nhiên hằng năm, lấy mẫu đất của đồi chè bất kỳ để làm các xét nghiệm, nếu hộ nào vi phạm sẽ tước giấy chứng nhận, không thu mua chè búp tươi... ” - anh Thận nói.

Hiện, 90% sản lượng chè được sản xuất tại HTX Bản Liền được xuất khẩu sang châu Âu (EU), Mỹ, Canada… Năm 2018, HTX xuất khẩu 80 tấn chè, và 8 tháng đầu năm nay đã xuất khẩu được hơn 50 tấn chè, với giá xuất khẩu bình quân lên tới 100.000USD/tấn. Trong đó, các sản phẩm chè phổ nhĩ, chè đen, búp hồng, búp trắng có giá bán cao nhất. Trong 3 năm qua sản lượng xuất khẩu của chè Bản Liền tăng trung bình 10 -15%/năm.

Đến nay, xã Bản Liền có khoảng hơn 500ha chè Shan, trong đó có trên 400ha được công nhận chè hữu cơ. Nhờ có thị trường xuất khẩu ổn định, mỗi năm HTX Chè Bản Liền thu mua khoảng 400 tấn chè búp tươi. Trung bình mỗi ha chè có thể đem lại lợi nhuận 80 - 100 triệu đồng/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với các cây trồng truyền thống khác.

Ông Giàng Seo De - Chủ tịch UBND xã Bản Liền cho hay, trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã cao nhất trong huyện. Nay nhờ trồng chè, nhiều hộ trong xã có thu nhập cao, từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. “Năm 2018, xã Bản Liền có 12% số hộ dân thoát nghèo. Năm 2019, xã phấn đấu tiếp 10% hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn khoảng 30%. Để đạt được mục tiêu đó, đã có nhiều hướng phát triển kinh tế được vạch ra, trong đó khai thác và nâng cao giá trị của cây chè hữu cơ là một trong những giải pháp hiệu quả và bền vững” - ông De nói.