Thép Trung Quốc “lách” thuế, Bộ Công Thương "đau đầu"
Theo thông tin từ Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, ngày 03/5/2019, ba công ty đại diện cho ngành sản xuất thép cán nguội Việt Nam gồm: Công ty TNHH Một thành viên Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSTEEL, Công ty TNHH Posco – Việt Nam và Công ty Cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam đã gửi hồ sơ yêu cầu điều tra hành vi bán phá giá với một số sản phẩm thép các bon cán nguội có xuất xứ từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp nêu trên, sản phẩm thép cần được điều tra gồm: thép không hợp kim hoặc hợp kim được cán phẳng ở dạng cuộn hoặc dạng tấm, có bề rộng dưới 1.600mm, độ dày từ 0,108mm đến 2,55mm, đã được ủ hoặc chưa được ủ, được phủ hoặc được tráng với chất vô cơ hoặc chưa được phủ hoặc tráng và chưa được gia công quá mức cán nguội.
Hiện tại, các sản phẩm trên được nhập khẩu từ Trung Quốc đã và đang bán phá giá vào thị trường Việt Nam với biên độ bán phá giá 21,3% và hành vi bán phá giá này là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất thép cán nguội của Việt Nam.
DN trong nước lao đao vì thép cán nguội xuất xứ Trung Quốc.
Ba doanh nghiệp thép trong nước cáo buộc, các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc nói trên đã “lách” luật dựa trên quy định áp thuế suất nhập khẩu là 7% đối với thép không hợp kim, và 0% đối với thép hợp kim khác của Việt Nam.
Theo đó, do thuế suất nhập khẩu đối với thép hợp kim khác là 0%, nên các nhà máy Trung Quốc trước khi xuất bán sang Việt Nam đã bổ sung hợp chất boron, hoặc titan ở mức tối thiểu để thay đổi loại thép từ thép không hợp kim sang thép hợp kim khác để trốn thuế nhập khẩu.
Hành vi này không làm thay đổi tính chất vật lý và ứng dụng sử dụng của sản phẩm, tuy nhiên nhập khẩu khi cập cảng đến Việt Nam thép Trung Quốc sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi.
Trong khi đó, hiện có 8 quốc gia khác đang áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép này của Trung Quốc, phổ biến từ 3,06 - 265,79%.
Theo những doanh nghiệp này, việc lẩn tránh được thuế giúp các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc có giá thấp hơn từ 4 - 14% so với giá bán thép cán nguội trong nước.
Cụ thể, thép xuất xứ Trung Quốc có giá thấp hơn từ 9 - 19% so với giá nhập khẩu từ Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Theo các chuyên gia đánh giá, điều này sẽ khiến ngành công nghiệp thép trong nước không thể tồn tại và sẽ gặp khó khăn tài chính thảm khốc trong tương lai không xa.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương sau khi khởi xướng điều tra, các cơ quan chức năng của bộ sẽ gửi bản câu hỏi điều tra để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá các nội dung cáo buộc gồm: hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc; thiệt hại của ngành sản xuất thép cán nguội Việt Nam và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất thép cán nguội.
Sau đó, trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào kết quả điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời để ngăn chặn hành vi bán phá giá tiếp tục gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
“Bộ Công Thương có thể áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa bị áp thuế trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời. Vì vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra cần lưu ý về khả năng áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước.” trích văn bản của Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương.
Thép Việt Nam có phải “nạn nhân” của thép Trung Quốc?
Hiện nay, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp trong nước, các đơn vị sản xuất nguyên liệu lẫn sản phẩm chế biến từ thép đều đang trong thế khó.
Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất thép nguyên liệu trong nước yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép cán nguội có xuất xứ Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải tăng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng này.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ thép đang “kêu khổ” về việc áp thuế nhập khẩu đổi với thép không gỉ cán nguội khiến tình trạng nguyên liệu bị áp giá cao còn nguồn nguyên liệu trong nước lại chỉ phụ thuộc một vài doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sản xuất thép nguyên liệu trong nước muốn áp biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp chế biến lại muốn giảm thuế thép nhập khẩu.
Trong đó công ty Posco VST với 100% vốn Hàn Quốc chiếm thị phần áp đảo, hầu hết các đơn vị sản xuất đều phải mua nguyên liệu từ doanh nghiệp này mà không có nhiều lựa chọn khác.
Được biết, hiện nay, giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu sau áp thuế tăng giá từ 15-20% khiến các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa lao đao. Cụ thể, mức thuế đối với các doanh nghiệp từ Trung Quốc là 25,35%; riêng nhà sản xuất Shanxi Taigang Stainless Steel Co., Ltd. (STSS) được áp thuế suất 17,47%. Đối với các nhà sản xuất từ Indonesia mức thuế suất giữ nguyên 13,03%, Malaysia thuế suất ở mức 9,31%; Đài Loan là 13,79%; riêng Yuan Long Stainless Steel Corp chịu thuế 37,29%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc giá nguyên liệu cao nhưng sản phẩm làm từ thép inox nhập khẩu lại thấp khiến nền sản xuất trong nước rơi vào thế khó, ngoài ra, còn có dấu hiệu độc quyền.
Tập đoàn Sunhouse thông tin thêm, sắp tới, khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, thuế nhập khẩu dành cho các mặt hàng gia dụng inox nhập khẩu từ Trung Quốc – đất nước có thế mạnh về sản xuất các mặt hàng gia dụng và giá thành sản xuất rẻ sẽ bằng 0% (nếu có chứng nhận xuất xứ).
“Việc này đã dẫn đến làm mất khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất như chúng tôi với các công ty thương mại nhập khẩu, vô hình chung giết chết các công ty sản xuất như chúng tôi, những công ty đã và đang tạo công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động”, đại diện Tập đoàn Sunhouse nhấn mạnh.
Trước những thông tin trên, Bộ Công Thương khẳng định không có sự độc quyền, thao túng giá trong ngành thép, tuy nhiên vẫn phải rà soát cuối kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Theo đó, nội dung về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá dựa trên cơ sở xác định còn tồn tại hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài hay không?