Chợ mọc khắp nơi
Bí thư Huyện ủy Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu chia sẻ, Nhà Bè được quy hoạch phát triển theo hướng đô thị, không có vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Hiện cơ cấu kinh tế của huyện Nhà Bè là 99,11% lao động trong lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ và các ngành nghề khác, chỉ 0,89% lao lộng trong lĩnh vực nông thôn.
Khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn huyện đang phát triển nhanh. Nếu năm 2010 (thời điểm huyện làm NTM) có hơn 3.900 hộ kinh doanh và 969 doanh nghiệp (DN) thì đến năm 2019 số hộ kinh doanh hơn 9.300 hộ và hơn 4.600 DN. Chính vì vậy, theo Phòng LĐTBXH huyện Nhà Bè, thời gian qua chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của huyện đã theo hướng dịch vụ - thương mại, nông nghiệp đô thị.
Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart ở huyện Bình Chánh. Ảnh: T.C.L
Theo UBND huyện Nhà Bè, đến cuối năm 2015, toàn huyện có 9 chợ nằm trên địa bàn 6 xã hoạt động ổn định, 2 siêu thị và 3 cửa hàng tiện ích. Giai đoạn 2016-2020, huyện Nhà Bè sẽ có 10 chợ, 2 siêu thị và 34 cửa hàng tiện ích.
Trưởng phòng LĐTBXH huyện Nhà Bè Nguyễn Kim Ngọc cho biết, do huyện đang phát triển theo hướng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nên đã giúp cho đại bộ phận hộ nghèo có công ăn việc làm, tỷ lệ người nghèo làm công ăn lương chiếm tỷ trọng cao, trên 55%.
Cũng như huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn cũng đang chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Trong năm 2018, 2019, các hệ thống cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh. Đến nay, huyện có 95 cửa hàng tiện lợi, hơn 100 điểm bán hàng bình ổn giá của các đơn vị: (Co.opmart, Satra food, Vinmart, Bách Hóa Xanh…). Hiện huyện có 2 siêu thị: Co.opmart Tân Hiệp (xã Tân Hiệp) và Co.opmart Đặng Thúc Vịnh (xã Thới Tam Thôn), 13 chợ truyền thống.
Trong khi đó, huyện nghèo Cần Giờ cũng đã phát triển mạnh khu vực thương mại. Theo ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện, trước khi thực hiện chủ trương xây dựng NTM, hầu hết các xã có chợ nông thôn, nơi mua bán, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, các chợ đã cũ và xuống cấp, quy mô không đủ phục vụ nhu cầu mua bán của người dân. Đến nay, toàn huyện có 3.206 hộ kinh doanh cá thể, 26 điểm bán hàng bình ổn thị trường, 9 chợ truyền thống và 1 siêu thị.
Từ năm 2010 đến nay, huyện xây dựng lại 2 chợ Hòa Hiệp và Lý Nhơn; đầu tư sửa chữa, nâng cấp 5 chợ truyền thống; tập trung tổ chức lập lại trật tự kinh doanh các chợ trên địa bàn... Đến nay, toàn huyện có hơn 3.200 hộ kinh doanh cá thể, 26 điểm bán hàng bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Xã hội hóa thương mại nông thôn
Nhiều hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả được hình thành đã thúc đẩy phát triển ngành nghề phi nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn”. Ông Thái Quốc Dân |
Theo Ban chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM về Chương trình xây dựng NTM, những năm qua, các huyện thường xuyên vận động xã hội hóa nâng cấp đối với các chợ, xây dựng kế hoạch thực hiện chợ hiện đại, văn minh. Đồng thời, các huyện cũng khuyến khích xây dựng thêm các cửa hàng tiện ích trên địa bàn huyện; tổ chức nhiều lượt bán hàng lưu động, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân tại các khu công nghiệp, khu dân cư, vùng sâu, vùng xa; tổ chức nhiều phiên chợ hàng Việt gắn với cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”.
Ông Thái Quốc Dân - Phó Chánh văn phòng NTM TP.HCM đánh giá, việc xây dựng, sửa chữa các chợ truyền thống và việc hình thành các siêu thị và cửa hàng tiện ích tại các huyện làm NTM góp phần giúp tiểu thương ổn định kinh doanh trong môi trường sạch sẽ, văn minh; đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng văn minh, hiện đại của người dân, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và mỹ quan đô thị. Nhờ đó, diện mạo nông thôn của thành phố đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ.