Dân Việt

Bưng bít thông tin là môi trường dung dưỡng tin giả

Thành An (thực hiện) 13/09/2019 10:56 GMT+7
Những thông tin nhân sự cấp cao, chống tham nhũng, vấn đề Biển Đông... luôn được các thế lực phản động triệt để lợi dụng để xuyên tạc, bẻ cong, bóp méo. Trao đổi với Dân Việt, Đại tá Nguyễn Hòa Văn, Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh: Bưng bít thông tin là môi trường dung dưỡng tin giả.

Hiện nay trên môi trường không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội liên tục xuất hiện tình trạng một số tổ chức, cá nhân đăng tải, chia sẻ, bình luận trên các “kênh”, nhất là Facebook, Youtube... những thông tin phiến diện, thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng, hoặc thông tin về những vụ việc đang trong quá trình điều tra, chưa có kết luận chính thức.

Đặc biệt các thông tin về nhân sự trước Đại hội Đảng, thông tin về tình hình biển Đông, trong đó có tình hình ở bãi Tư Chính… dẫn đến tâm lý hoang mang, nghi ngờ, phân tâm, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch tuyên truyền xuyên tạc, chống phá gây mất ổn định chính trị, kinh tế, xã hội ở nhiều địa phương.

"Trước thực trạng trên, cán bộ, đảng viên, nhân dân cần nhận diện rõ thông tin xấu, độc, để ngăn chặn sự tác động của nó vào đời sống chính trị, tinh thần của cộng đồng xã hội", Đại tá Nguyễn Hòa Văn - Giám đốc Cổng Thông tin Điện tử Hội Nhà báo Việt Nam nói.

img

Đại tá Nguyễn Hòa Văn - Giám đốc Cổng Thông tin Điện tử Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng kiêm Tổng Biên tập Báo Biên phòng.

Những chiêu bài bẻ cong sự thật

Ông có thể nói rõ hơn về những thủ đoạn “chiến tranh tâm lý”, lợi dụng không gian mạng để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với chế độ XHCN ở Việt Nam của các thế lực thù địch?

- Việc tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, bọn cơ hội chính trị xưa nay vẫn là hiện tượng diễn ra ở nhiều nơi trong và ngoài nước. Tuy nhiên từ khi Internet ra đời, hiện tượng này diễn biến ngày càng phức tạp, tác động mạnh vào tâm lý, nhận thức của công chúng. Đặc biệt là trong những thời điểm nhạy cảm, xuất hiện những sự kiện quan trọng.

Thủ đoạn mà những kẻ muốn gây hại cho Đảng, cho cách mạng, muốn làm suy yếu, sụp đổ chế độ trong thời đại kỷ nguyên số, thường là: Chúng lợi dụng vào những sự kiện, những diễn biến, những động thái có thật, bằng những kỹ xảo tinh vi của công nghệ thông tin, chúng đã tạo được nhiều sự xuyên tạc, dựng chuyện bằng cách lắp ghép, trích dẫn, cắt xén các lời phát ngôn, bài viết, hình ảnh, khó phân biệt thật giả, khó nhận diện đúng sai, khó đánh giá đúng bản chất sự kiện, nhân vật... theo ý đồ của chúng. 

Thí dụ trong thời điểm hiện tại, khi Đảng đang tích cực chuẩn bị nội dung, nhân sự cho Đại hội 13, trên YouTube chúng thường xuyên kích động đẩy các vấn đề nóng lên, bằng cách xuyên tạc sự thật, nội dung mà chúng tập trung là nói sai sự thật, đả kích mạnh những chuyện không có thật, như chuyện các phe cánh thanh trừng lẫn nhau trong Đảng. 

Hoặc chúng dựa vào những hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế về biển, nhất là diễn biến hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của nước ta ở bãi Tư Chính gần đây để tung tin giả, xuyên tạc, kích động. Chúng lợi dụng tâm lý cực đoan, định kiến của một bộ phận dân chúng để hàng ngày tán phát lên mạng nhiều thông tin không có thật, sai sự thật, xuyên tạc sự thật. Chúng bình luận, nhìn nhận vấn đề có thật theo hướng khơi lại nỗi đau quá khứ, kích động hận thù, mỉa mai Đảng, Nhà nước ta nhu nhược; Cố tình tung tin giả, thông tin xuyên tạc để phủ định sự mềm dẻo, khôn khéo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ Quốc phòng, Ngoại giao... trong xử lý các vấn đề quốc tế hệ trọng, phức tạp, nhạy cảm.

Ông đánh giá như thế nào về những tác động tiêu cực từ những thông tin xấu, bịa đặt, xuyên tạc về tình hình nhân sự trước Đại hội Đảng hiện nay?

- Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, làm sụp đổ chế độ luôn luôn là câu chuyện thời sự, Đảng ta có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để hoá giải vấn đề này. Ở đây cần đặc biệt lưu ý đến tâm trạng xã hội, niềm tin của nhân dân đối với Đảng hiện nay. Cần cảnh giác cao độ với tính nguy hiểm mặt trái của mạng xã hội. Sự suy thoái, tha hoá của một bộ phận cán bộ đảng viên, công chức, doanh nhân... và tác động xấu của mặt trái mạng xã hội đang tiếp sức mạnh mẽ cho sự chống phá của các thế lực thù địch.

Để tin giả không còn đất sống

Như vậy có thể nói, cùng với việc đấu tranh chống lại tin giả, thông tin bịa đặt, xuyên tạc thì điều quan trọng nhất vẫn phải phải xây dựng được cơ chế, tạo dựng được niềm tin trong nhân dân, thưa ông?

- Đúng vậy, sự chống phá của các thế lực thù địch sẽ không ảnh hưởng gì nếu Đảng, Nhà nước và nhân dân ta có sức đề kháng tốt. Nhưng nếu để tâm lý, tư tưởng trong cộng đồng xã hội bị lung lạc, bất ổn, thiếu niềm tin thì sự chống phá của các thế lực thù địch sẽ trở thành chuyện lớn, chuyện sống còn của Đảng và chế độ.

img

Việc lập tài khoản facebook mạo danh để đăng thông tin kích động đang khá phổ biến (Ảnh IT)

Khi lực lượng đối kháng tuyên truyền, thật giả lẫn lộn, người dân không tin, nhận rõ được âm mưu của chúng thì việc hoá giải tình hình theo hướng tích cực rất thuận lợi. Ngược lại, người dân lại nghe theo và tin theo luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch thì đây là dấu hiệu của một bi kịch xã hội không thể xem thường. 

Vì thế mà giải pháp trước hết không phải nằm ở việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền, mà là Đảng phải làm gì để củng cố, giữ vững niềm tin của nhân dân trong lúc này là vấn đề hệ trọng nhất. 

Mặt khác báo chí và các phương thức tuyên truyền khác của Đảng, cần phản ánh kịp thời, phản ánh rõ các sự kiện theo hướng tích cực và có lợi. Không để công chúng hoài nghi báo chí bưng bít thông tin. Không để những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc không bị phản kháng, không có phản biện. Khi các phương tiện truyền thông của các thế lực thù địch và mạng xã hội đang tuyên truyền xuyên tạc thì báo chí của Đảng, Nhà nước phải phản ứng nhanh, định hướng rõ ràng, phải có những bài viết sâu, phân tích, bình luận thuyết phục. 

Ví dụ trước diễn biến tình hình ở biển Đông hiện nay, báo chí cần cung cấp nhiều thông tin để công chúng có sự nhìn nhận toàn diện về bức tranh tổng thể về tranh chấp và giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên thế giới. Đồng thời tăng cường tuyên truyền và có các biện pháp khác nhằm xoá bỏ được tư tưởng cực đoan, định kiến với Trung quốc trong nhân dân ta, tăng cương quan hệ hợp tác giữa hai nước, trên cơ sở đó tạo sự thân thiện, thẳng thắn trong giải quyết tranh chấp trên biển giữa ta và Trung Quốc.

Theo ông biện pháp nào để chúng ta có thể ngăn chặn được tin giả, loại bỏ thông tin xấu độc khi mà vấn nạn tin giả, tin xấu độc đang bao trùm chi phối toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội như hiện nay?

- Khi có internet, có mạng xã hội thì tính nguy hiểm của tin giả là khôn lường. Cảnh giác và đối phó với tin giả hiện nay là một bài toán khó. Chúng ta có thể chống được tin giả trong xuất bản báo chí, nhưng rất khó đạt được hiệu quả thực hiện chống tin giả lan truyền trên mạng xã hội. 

Thí dụ khi một tin giả lan truyền trên mạng xã hội đến một triệu người xem, chúng ta không thể biết được trong một triệu người đó có bao nhiêu người tin, bao nhiêu người không tin, bao nhiêu người có kiểm chứng để rút ra kết luận. Tuy nhiên khi nguồn tin được xác định là giả, được lan truyền để người xem hiểu được sự thật thì đã muộn, có khi đã gây tác hại khôn lường. 

Giải quyết bài toán chống tin giả phải bằng công tác tuyên truyên để mọi người cảnh giác với tin giả. Khi tiếp cận nguồn tin cần có tra cứu, đối chứng, kiểm chứng, dựa vào những địa chỉ thông tin báo chí, truyền thông tin cậy để xác định...

Để có môi trường thuận lợi để chống tin giả phải xây dựng một nền báo chí và truyền thông xã hội dân chủ, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại. Cộng đồng xã hội càng cởi mở, kết nối thông tin, càng có điều kiện để chống tin giả. Bưng bít thông tin là môi trường dung dưỡng tin giả.

Xin cảm ơn ông!