Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất của vùng biên Sốp Cộp, bao đời nay bà con nơi đây chỉ quanh quẩn với ruộng vườn, nương rẫy, trồng lúa, ngô, sắn, năng suất thấp nên cuộc sống gia đình khó khăn. Bà con trong bản nhiều người phải rời quê xuống các thành phố lớn tìm việc làm mong có thu nhập ổn định hơn.
Nhờ chồng chanh leo mà kinh tế gia đình anh Phương khấm khá lên so với trước.
Cũng như bao hộ gia đình khác trong bản, khi lập gia đình anh Phương được bố mẹ chia cho ít đất để sản xuất. Bao nhiêu năm vợ trồng anh bới đất, lật cỏ trồng sắn, trồng lúa không bỏ trống một tấc đất, vất vả cực nhọc mà sản phẩm thu về không đủ nuôi sống gia đình. Cách đây vài năm, được tham gia các tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và thăm quan một số mô hình sản xuất tại các địa phương do Hội Nông dân phối hợp tổ chức. Nhận thấy, trồng ngô, sắn không còn phù hợp, anh Phương chuyển sang trồng chanh leo thay thế.
Anh Phương khẳng định: Trồng chanh leo rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ thưỡng ở xã Dồm Cang.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn chanh leo rộng hơn 1 ha nằm bên sườn đồi, anh Phương chia sẻ: Khu vườn chanh leo này được trồng từ đầu năm 2017. Trước đây, nơi này chủ yếu trồng ngô, sắn và lúa nhưng do hiệu quả thấp nên tôi mới quyết định chuyển sang trồng chanh leo. Tuy gần đây giá chanh leo có nhiều biến động nhưng so với các cây trồng truyền thống ở địa phương thì vẫn lãi hơn nhiều.
Hiện chanh leo đang trở thành cây trồng hiệu quả kinh tế mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình ở Dồm Cang.
Theo anh Phương, khi bắt đầu trồng chanh leo anh rất băn khoăn. Vì đối với bà con dân bản đây là cây trồng mới nên chưa biết hiệu quả ra sao. Nhưng với suy nghĩ phải làm khác thì mới mong thay đổi được cuộc sống. Và thế là anh quyết trồng chanh leo, thiếu vốn anh vay mượn vốn của anh em, hàng xóm, đầu tư mua giống, vật liệu làm cọc, giàn trồng chanh leo. Chỉ sau 6 tháng những giàn chanh leo đã bắt đầu đơm hoa kết quả. Chẳng mấy chốc cả khu vườn chanh ra quả chi chít. Không những thế giá bán cao hơn nhiều lần ngô, sắn, mà công chăm sóc cũng nhàn hơn.
Vườn chanh leo chi chít quả của gia đình anh Phương.
Vừa trồng vừa học hỏi kinh nghiệm, anh Phương cho hay: So với trồng ngô, sắn thì trồng chanh leo nhàn hơn, do khu vườn gần con suối có nước quanh năm nên vườn chanh được tưới ẩm thường xuyên. Để tiết kiệm chi phí tôi tận dụng phân chuồng từ việc chăn nuôi của gia đình để bón cho cây, hạn chế sử dụng phân hóa học, kết hợp với tỉa cành, tỉa lá cho khu vườn luôn thoáng để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
Theo anh Phương, do chanh leo hay bị rầy, rệp hại lá, ảnh hưởng đến chất lượng quả, nên khi bệnh xuất hiện phải phun thuốc ngay. Nếu được chăm sóc tốt chanh leo có thể ra hoa, ra quả quanh năm, được thu hoạch liên tục.
Từ lúc trồng chanh leo đến nay, năm nào gia đình anh Phương cũng lãi hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, chanh leo đang là một trong những loại cây trồng mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân ở Dồm Cang. Nhờ đó, diện tích chanh leo ngày càng mở rộng.