Dân Việt

Thất bại cay đắng đã khiến Hitler trở thành trùm phát xít tàn ác

Huy Tuấn 15/09/2019 08:00 GMT+7
Trước khi trở thành một trùm phát xít khét tiếng, Hitler cũng như bao người khác có giấc mơ riêng đẹp đẽ của mình, đó là trở thành một nghệ sĩ.

img

Tên trùm phát xít Hitler.

Đầu năm 1908, sau cái chết của mẹ, Adolf Hitler - lúc đó mới 18 tuổi đã rời Linz - quê hương của mình và chuyển đến Vienna (Áo), bỏ lại người cha sống cô độc. Hitler chọn Vienna là nơi lý tưởng để theo đuổi giấc mơ trở thành một nghệ sĩ.

Nhưng trong khi người bạn thời thơ ấu và cũng là bạn cùng phòng của Hitler- August Kubizek - được nhận vào một nhạc viện thì Hitler đã dành những tháng đầu tiên ở Vienna khuya sớm phác thảo những bức tranh và đọc hàng đống sách. Nhưng Học viện Mỹ thuật thành phố đánh giá bản vẽ của Hitler "không đạt yêu cầu".

Như nhà viết tiểu sử Volker Ullrich viết trong cuốn “Hitler: Ascent, 1889-1939”, điều Kubizek không biết là trước khi chuyển đến Vienna, Hitler đã bị Học viện Mỹ thuật thành phố từ chối.

Nhiều năm sau, trong cuốn tự truyện Mein Kampf, Hitler tuyên bố rằng, sự từ chối của Học viện Mỹ thuật đã khiến ông ta gần như suy sụp, vì ông ta đã rất tự tin vào khả năng của mình.

Mùa thu năm 1908, Hitler lại nộp đơn vào Học viện Mỹ thuật, và một lần nữa họ từ chối Hitler. Những năm sau đó, Hitler đã chuyển từ một căn phòng thuê giá rẻ sang một phòng khác, thậm chí sống ở nơi dành cho người vô gia cư.

Năm 1909, Hitler bắt đầu kiếm tiền nhờ việc bán những bức tranh sơn dầu và màu nước do mình vẽ. Những bức tranh chủ yếu vẽ các tòa nhà và địa danh nổi tiếng ở Vienna.

Tại Vienna, “nghệ sĩ trẻ” Hitler bắt đầu quan tâm đến chính trị. Mặc dù Hitler tuyên bố rằng, các quan điểm chống Do Thái của y hình thành trong thời kỳ này nhưng nhiều nhà sử học vẫn nghi ngờ. Lúc này, Hitler có một khách hàng đặc biệt yêu thích những bức tranh của mình có tên là Samuel Morgenstern - một chủ cửa hàng người Do Thái ở Vienna.

Thời gian ở Vienna cũng chính là khoảng thời gian đã định hình thế giới quan của Hitler, đặc biệt là sự ngưỡng mộ của Hitler đối với thị trưởng lúc bấy giờ, Karl Lueger - người được biết đến với tài hùng biện  cũng như các kỹ năng diễn thuyết.

img

Adolf Hitler (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh với các đồng đội của Trung đoàn Dự bị Bavaria thứ 16 ở Pháp, 1916.

Chống lại nghệ thuật đương đại

Hitler tiếp tục hoàn thành các tác phẩm nghệ thuật của mình sau khi chuyển đến Munich vào tháng 5/1913. Ông ta bán những bức tranh về các địa danh nối tiếng tại cửa hàng và các triển lãm.

Mặc dù cuối cùng ông ta cũng có được một số khách hàng trung thành, khá giả - những người tạo cho Hitler một nguồn thu nhập thường xuyên, nhưng tới tháng 1/1914, Hitler bị cảnh sát Munich theo dõi do không đăng ký đi lính ở Linz.

Như Ullrich đã ghi lại, Hitler đã trượt trong các bài thi thể lực và bị đội ngũ tuyển quân khẳng định là không phù hợp với chiến đấu và hỗ trợ chiến đấu vì quá yếu, không có khả năng dùng vũ khí.

img

Một bức vẽ của Hitler năm 1916.

Suốt những năm tháng sau này đã hình thành quan điểm sống của Hitler. Sự nghiệp nghệ thuật đáng thất vọng của ông ta được cho là nguyên nhân khởi xướng cho sự nghiệp đầy bạo lực của trùm phát xít. Chính những thất bại này đã tạo động lực khiến Hitler vươn lên nắm quyền lực ở Đức.

Sau đó, Hitler ra mặt chống lại nghệ thuật đương đại, gọi nó là sản phẩm thoái hóa của người Do Thái và người Bolshevik và là mối đe dọa đối với bản sắc dân tộc Đức.

Năm 1937, Đức quốc xã đã sưu tập được khoảng 16.000 tác phẩm hội họa đương đại từ các bảo tàng Đức và chúng trưng bày ở Munich, với mục đích dè bỉu các nghệ sĩ. Đã có khoảng 2 triệu người tham dự triển lãm.