Dân Việt

Cụ ông Bắc Ninh gần 90 tuổi ở trọ nuôi vợ chạy thận

Phạm Nga 15/09/2019 07:00 GMT+7
Giận vợ, ông Sơn về quê hôm trước, hôm sau lại lên phòng trọ ở Hà Nội tìm bà, vì sợ người già ở một mình chết chẳng ai hay.

Phòng trọ nhỏ chừng 10 m2 của ông Nguyễn Hồng Sơn, 88 tuổi, quê Bắc Ninh và vợ nằm trong "xóm chạy thận" ở phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội - nơi có hơn 130 bệnh nhân cùng cảnh đang thuê trọ để chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.

Trưa ngày đầu tháng 9, ông Sơn ngồi ở cửa phòng, chốc chốc lại ngoái ra cổng với vẻ sốt ruột. Bà Đinh Thị Lệ, 82 tuổi, vợ ông, đi chạy thận vẫn chưa về.

"Bà ấy hay bị tụt huyết áp lắm", ông lão râu tóc bạc phơ nói, vẻ lo âu. Có lần, đang trong ca chạy thận, mặt vợ đột nhiên trắng bệch, tay chân lạnh toát, ông phải hớt hải đi gọi bác sĩ, nên ám ảnh đến tận giờ.

Những năm trước, bà đi đâu, ông theo sát đấy. Nhưng một năm nay, mắt mờ, chân đau, ông phải thuê người đưa đón vợ. 

img

Mắt mờ, nặng tai, chân lại đau nhức, ông Sơn không thể leo cầu vượt qua phố để đưa vợ đi chạy thận như trước. Ảnh: Phạm Nga.

12 năm trước, bà Lệ phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận 3 buổi một tuần. Bà khóc đòi về "chết cho xong", nhưng ông bảo "nước đến đâu, chạy đến đấy, cứ yên tâm chữa bệnh, không phải lo chuyện tiền bạc". 

Số tiền dành dụm về già của hai vợ chồng, ông bọc cẩn thận, đưa cho các con mang ra Hà Nội lo chữa cho mẹ. Lương hưu hơn 5 triệu đồng, vốn là khoản sinh hoạt hàng ngày, nay ông phải chi tiêu dè sẻn hơn.

"Bà ấy chết tôi sẽ phải ở một mình, vì 4 con gái lấy chồng hết, mình thì già, có lấy được bà hai, bà ba nữa đâu", ông Sơn cười, để lộ hàm răng cái còn, cái mất.

7 năm đầu, bà ở tại khu lưu trú của bệnh viện. Các con thay nhau chăm sóc. Từ năm 2015, bà Lệ chuyển về "xóm chạy thận" ở một mình, các con bận việc, thỉnh thoảng mới lên thăm. "Tôi gọi điện bảo ông ấy, tôi ở một mình buồn quá, hay ông lên chăm tôi, thế là ông ấy đồng ý", bà Lệ kể.

"Ngày lên Hà Nội với bà ấy, tôi bàn giao chức chủ nhiệm CLB thơ ca của thôn cho người khác, nhưng không ai chịu nhận. Thành thử tôi đi cả tháng mới về mà vẫn được làm 'lãnh đạo'", ông hóm hỉnh kể.

Thú vui tập dưỡng sinh, vừa uống trà vừa đàm đạo với bạn già mỗi sáng, nay ông phải bỏ. Mảnh đất ở quê, ông chia bốn phần, giao sổ đỏ cho ba cô con gái ruột và một người con gái nuôi. Ông bà chỉ giữ lại gian nhà ngói để thỉnh thoảng đi về.

"Thương vợ, thương con lắm nên tuổi cao, sức yếu bố vẫn lên ở trọ để chăm mẹ như thế. Suốt đời, lúc nào bố cũng hy sinh", chị Nguyễn Thị Nương, 50 tuổi, con gái ông Sơn nói.

Ở Hà Nội, những ngày vợ vào viện chạy thận, ông dậy từ 3 giờ sáng cắm cơm, nắm thành 2 nắm, luộc 2 quả trứng bỏ vào hộp cho bà mang đi ăn. Còn lại một mình trong phòng trọ chật hẹp, ông mang sách ra đọc, có hứng thì làm thơ. Trời mưa lớn, ông lập cập chạy ra sân, thu quần áo của nhà mình và của hàng xóm vắng nhà. "Ở quê, bằng giờ này, tôi ăn sáng xong, đã đi chơi được một vòng quanh xóm", ông kể. 

Quá trưa, thấy bóng vợ từ ngoài cổng về, mắt ông lão rạng rỡ hẳn lên. Ông đỡ bà xuống giường, tay giúp cởi áo, miệng vồn vã hỏi han. 

Bữa trưa chỉ có canh mướp với muối vừng, lạc rang. Bà Lệ chan canh húp, còn ông Sơn nhấp chén rượu với lạc. "Tôi trước là cán bộ thủy lợi, về hưu có suất lương nên giờ còn đỡ khổ. Ở xóm này, nhiều người vừa phải chạy thận, vừa phải đi làm, tội lắm", ông nói.

img

Ông Sơn và bà Lệ cưới nhau 60 năm trước. Ông Sơn bảo vợ không phải là "bóng hồng" trong bất kỳ bài thơ  nào ông làm, nhưng ông sẽ luôn yêu thương, săn sóc bà đến hết đời. Ảnh: Phạm Nga.

Bà Lệ mệt trong người nên hay cáu, ông Sơn nặng tai nên thỉnh thoảng lại giận dỗi. Bà trách chồng "làm gì cũng chậm", "nấu ăn dở". Ông cười khà "Tôi chỉ được có thế thôi".

Có lần, vợ nặng lời, ông lão giận, gấp quần áo về quê, nhưng sáng hôm sau đã lại lên gọi cửa. Ông từng chứng kiến một bệnh nhân cao tuổi ở xóm trọ chết trong phòng, hàng xóm phá cửa mới phát hiện ra.

"Cảnh đấy nó ám ảnh tôi. Tôi sợ bà ấy ngủ một mình, có chuyện gì lại ân hận suốt đời", ông chậm giọng. 

"Xóm này ai cũng ngưỡng mộ ông bà. Kiểu người già, hay tranh cãi, nhưng ông săn sóc bà từng tí một. Chúng tôi là bệnh nhân, sống một mình nên thấy cảnh họ sớm tối có nhau cũng chạnh lòng", ông Huệ, 55 tuổi, hàng xóm của vợ chồng ông Sơn nói.

Thỉnh thoảng, thấy trong người khỏe khoắn, bà Lệ đi chợ mua cho chồng ít trái cây hay loại cà phê ông thích. Tối tối, ông bà mở tivi cháu ngoại tặng, xem cho khuây khỏa. Có bài thơ tâm đắc, ông lại ngâm cho vợ thẩm. Nhà cách Hà Nội chỉ hơn 30km, nên cuối tuần con cháu bận không lên thăm, ông bà lại đưa nhau về.

"Không có ông ấy bầu bạn, săn sóc thì tôi sống chẳng có ý nghĩa gì. Số tôi tuy thiệt đường sức khỏe, nhưng nghĩa vợ chồng được vậy cũng quý rồi", bà Lệ trải lòng.

Mỗi lần mệt mỏi, đau yếu, bà lại than vãn: "Hay tôi chết đi cho nhẹ nợ", ông Sơn cười tếu táo: "Tôi chưa chết được, bà sống cho có đôi".